Sụt giảm vì Covid-19

Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo cập nhật gửi Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Theo số liệu cập nhất đến cuối tháng 3/2020, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng 27.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi với tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Trong đó Tổng công ty hàng không Việt Nam là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.

{keywords}
PVN bị thiệt hại nặng do giá dầu giảm và nhu cầu giảm mạnh.

Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ hơn 2.800 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ 572 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ 111 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 97 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt lỗ 100 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng hơn 270 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng hơn 26.324 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng hơn 32.800 tỷ đồng so với kế hoạch.

Trong đó, do tác động từ cuộc chiến thương mại, giảm giá dầu lửa, nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể giảm khoảng từ hơn 3.100 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, việc giảm giá xăng, dầu đối với một số ngành lại là những thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu ra, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Ảnh hưởng kéo dài

Tổng công ty Hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. 3 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất của Vietnam Airines ước đạt hơn 19.200 tỷ đồng, giảm hơn 6.700 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019, lỗ hơn 2.300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu Vietnam Airlines ước đạt hơn 38.100 tỷ đồng, giảm tới trên 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. Do đó số lỗ dự kiến lên tới hơn 19.600 tỷ đồng.

Vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt. Doanh nghiệp này đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dự nợ vay tính đến 20/3 đã lên tới hơn 3.500 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán bị tạm dừng, dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng là đơn vị bị thiệt hại nặng. Doanh thu quý I đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2020 doanh thu đạt hơn 11.300 tỷ đồng, giảm trên 10.200 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. Lợi nhuận giảm hơn 9.300 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong quý 1/2020 ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng do không có khách đi tàu, các công ty thành viên phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ khoảng gần 700-900 tỷ đồng, tuỳ thời điểm kết thúc dịch Covid-19.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu tác động kép trong đợt khủng hoảng này, vừa chịu giá dầu giảm do cuộc chiến của các nước lớn, vừa chịu tác động của Covid-19 làm nhu cầu giảm.

Quý I, doanh thu ước đạt hơn 88.300 tỷ đồng, giảm hơn 13.100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 4.400 tỷ đồng, giảm hơn 4.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng có doanh thu giảm hơn 1.700 tỷ đồng, chỉ đạt trên 28.400 tỷ đồng trong quý I. Quý I Petrolimex ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020 doanh thu sẽ giảm trên 12.500 tỷ đồng, ước lỗ hơn 1.100 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Nguyên nhân chính là giá thế giới giảm nhanh đã tác động đến giá vốn tồn kho của đơn vị này.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ chững lại do Trung Quốc là thị trường lớn, doanh thu giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng nguồn cung nguyên vật liệu.

Ủy ban yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cơ cấu lại nguồn tài chính DN, tính toán cụ thể các khoản nợ đến hạn, khả năng trả nợ để có giải pháp phù hợp; đa dạng hoá thị trường cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc thiết bị, yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất; tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhất là các sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty trong cùng Ủy ban; đa dạng hoá các sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thiệt hại nặng vì dịch bệnh. Cụ thể, kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các DN vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cho Vinachem, VNR, VNA, PVN...
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. Trong đó, VNA đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng, bắt đầu ngay từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản.

Lương Bằng