Doanh nghiệp Việt luôn tham vọng sản xuất ra những sản phẩm “Made in Vietnam”, tuy nhiên đường đi không hề dễ dàng đòi hỏi nhiều nỗ lực cũng như yếu tố bên ngoài.

Pega vừa giới thiệu ra thị trường 4 sản phẩm xe điện được nội địa hoá sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ 35%. Doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tạo khuôn cho vành, khung, càng, động cơ, dây điện, phanh, yên...  Pega cũng đang nghiên cứu và hoàn thiện giải pháp xe điện thông minh. 

Với tỷ lệ nội địa hoá lên tới 90%, Viettel vừa cho ra mắt chiếc điện thoại chống nghe lén đầu tiên. Chiếc điện thoại được sản xuất, thiết kế trong nước từ đầu đến cuối, từ phần cơ khí, kiểu dáng, vật liệu.

Trên thế giới đã có vài mẫu điện thoại bảo mật chống nghe lén giá cỡ khoảng 15.000-20.000 USD. Trong khi doanh nghiệp trong nước sản xuất, bản thương mại chỉ có giá dao động khoảng 1.000 USD, độ bảo mật tương đương với chiếc điện thoại mà Thủ tướng Đức Merkel đang sử dụng. 

{keywords}
Nhiều sản phẩm điện thoại Made in Vietnam được ra mắt

Cũng trong lĩnh vực công nghệ, VNPT Technology tung ra thị trường dòng điện thoại Lotus được sản xuất trong nước. Từ thiết kế sản phẩm, kiểu dáng, lắp ráp các bo mạch và kiểm định chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đều đã làm chủ được. 

Đây là sản phẩm được tạo ra từ 100% công sức và trí tuệ của người Việt. Doanh số kỳ vọng đặt ra rơi vào khoảng 300.000-500.000 máy trong năm 2017, gồm cả thị trường Việt Nam và quốc tế. 

Trước đó, BPhone của BKAV, 1 siêu phẩm “Made in Vietnam” cũng từng gây sự chú ý, khi chính thức được giới thiệu trong 1 sự kiện hoành tráng. Công ty này khá thành công ở mảng SmartHome “Made in Vietnam”. 

Đánh giá các sản phẩm “Made in Vietnam” cho thấy nỗi lực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những công nghệ tiên tiến quyết định tới sự thành công của sản phẩm vẫn đang phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Đơn cử như chiếc điện thoại chống nghe lén có phần linh kiện, bộ vi xử lý Qualcomm. VNPT Technology sẽ là nhà sản xuất trong nước thứ 2, sau BKAV Bphone, tung ra một chiếc điện thoại chạy chip Qualcomm.

CEO của Pega cho biết, việc hợp tác với các thương hiệu lớn trên thế giới như Bosch, Samsung,... cũng giúp giảm bớt thời gian nghiên cứu, phát triển công nghệ trong khi vẫn nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Luôn bị nghi ngờ

Việc gia công ở Trung Quốc rồi gán nhãn Việt Nam xem ra đã hết thời làm ăn. Còn sản xuất và lắp ráp toàn bộ tại Việt Nam vẫn là một chặng đường còn rất dài để đánh giá hiệu quả.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, họ đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích và cách nhìn tiêu cực về những sản phẩm smartphone đầu tiên sản xuất trong nước. Ông thừa nhận, 100% linh kiện đều được nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài, song ông cũng nhấn mạnh, các công ty lớn như Apple, Samsung đều chọn phương thức đặt hàng linh kiện chứ không tự sản xuất.

{keywords}
Tham vọng của doanh nghiệp trong nước

“Chúng tôi phải chịu rất nhiều chỉ trích từ khi bắt đầu dự án sản xuất smartphone tại Việt Nam. Người dùng trong nước luôn nhìn nhận tiêu cực, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, thậm chí nghi ngờ cả sự trung thực, chất xám và trình độ của chính người Việt Nam”, ông cho hay.

Theo lý giải của lãnh đạo doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu phần trăm là không phù hợp bởi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ. 

Điểm yếu của các sản phẩm trong nước là sự canh tranh về giá thành. Nhiều linh kiện quan trọng mà trong nước chưa tự sản xuất được, đang có mức thuế nhập khẩu cao như: motor rung (25%), pin (20%), các đầu nối (15%), khối micro (15%)... 

Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 0%. Mức thuế ấy khiến sản phẩm do các DN trong nước sản xuất có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập nguyên chiếc từ nước ngoài...

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, một khó khăn lớn trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà họ gặp phải chính là việc nhiều chủ đầu tư vẫn còn tâm lý “sính ngoại” cao, coi thiết bị ngoại tốt hơn trong nước.

Rõ ràng, dù chật vật nhưng các công ty công nghệ Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm ra ngách phù hợp với năng lực và xu hướng của thị trường để có những sản phẩm cạnh tranh. “Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ đối với những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp còn non nớt của nước nhà”, đại diện VNPT cho hay.

Theo ông Lê Hoàng Long, CEO của Pega, việc chuyển sang nội địa hóa đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện của Việt Nam cùng nhau phát triển, tạo dựng một hệ sinh thái sản xuất xe.

Nam Hải