Loạt vấn đề cần công an vào cuộc

Tại kết luận kiểm toán dự án đạm Ninh Bình, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật đối với nhiều nội dụng.

Trong đó có việc mua cấp than phục vụ chạy thử vượt khối lượng theo quy định tại Hợp đồng EPC khi chưa làm rõ nguyên nhân và phân định trách nhiệm của các bên liên quan đối với phần than cấp vượt; khối lượng than phục vụ chạy thử mà chủ đầu tư đã cấp cho nhà thầu EPC vượt so với quy định của Hợp đồng là hơn 251 nghìn tấn, tương đương hơn 661 tỷ đồng.

Số than vượt so với hợp đồng EPC đã ký gây rủi ro hiện hữu thiệt hại kinh phí của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khoảng 661 tỷ đồng

{keywords}
Dự án đạm Ninh Bình thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Vinachem có văn bản đồng ý sau khi Ban quản lý dự án đã cấp than phục vụ chạy thử vượt khối lượng quy định tại hợp đồng là vi phạm quy định hợp đồng EPC, gây rủi ro hiện hữu thiệt hại số tiền 661 tỷ đồng nói trên.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị công an vào cuộc về công tác mua, quản lý, theo dõi nhập, xuất than phục vụ chạy thử thiếu chặt chẽ, có dấu hiệu sai phạm. Nhập than cám 5A không có hồ sơ tài liệu chứng minh nguồn gốc than; không có chứng từ xuất kho gần một nửa số than đã cấp cho nhà thầu (hơn 127 nghìn tấn trên tổng số trên 370 nghìn tấn). Việc sử dụng than của nhà thầu tại một số thời điểm chưa đúng mục đích chạy thử.

Chẳng hạn, trong 80 ngày, từ 11/2011 đến 22/1/2012, trục máy nén hệ thống phân ly không khí dừng hoạt động để sửa chữa. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục cấp than 5A để duy trì hoạt động của nhà máy nhiệt điện và phát điện lưới thi công (không hoàn toàn phục vụ cho chạy thử), dẫn đến hết giai đoạn chạy thử, số lượng than cám 5A sử dụng cho nhiệt điện là hơn 282 nghìn tấn, vượt gấp 4,7 lần so với số lượng quy định tại hợp đồn là 60 nghìn tấn.

Bỏ ngoài sổ sách kế toán nhiều khoản tiền

Vấn đề khác được Kiểm toán Nhà nước muốn công an làm rõ, đó là sản phẩm chạy thử của đạm Ninh Bình không được ghi nhận đầy đủ, thiếu hồ sơ tài liệu và không được quản lý chặt chẽ.

Cụ thể, chưa ghi nhận đầy đủ các sản phẩm của quá trình chạy thử gồm hơn 2.000 tấn Amoniac thu được trong quá trình chạy thử, 135 tấn Ure nhập kho sau khi thực hành chạy thử hệ thống băng tải, không ghi nhận doanh thu tiền bán tro xỉ năm 2012 (trong khi từ năm 2013 trở đi đều có doanh thu bán tro xỉ); chỉ thu được 17.000 tấn ure mà nếu theo thiết kế phải thu được 40 nghìn tấn. Kiểm toán Nhà nước cho rằng như vậy là bất hợp lý.

Bên cạnh đó, nhà thầu Trung Quốc cho rằng chủ đầu tư đã bán thương mại hơn 16.600 tấn than mịn nhưng hồ sơ tài liệu không thể hiện, có dấu hiệu bỏ ngoài sổ sách kế toán số tiền bán than mịn này...

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước phát hiện quá trình đàm phán, nhà thầu đề xuất danh mục một số thiết bị, công nghệ có thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ... thay đổi so với hồ sơ yêu cầu, nhưng chủ đầu tư không xem xét, đề nghị làm rõ nguyên nhân phải thay đổi và sự ảnh hưởng, tác động của những thay đổi đó đến kỹ thuật và tài chính của gói thầu EPC.

Việc thực hiện các quy định của Hợp đồng EPC và quy định của Nhà nước trong quản lý, giám sát, thực hiện nhập khẩu, lắp đặt máy móc, thiết bị của dự án còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời. 152 thiết bị nhập khẩu trị giá lên tới hơn 50 triệu USD không được kê khai hải quan để nộp thuế.

Đáng nói, hai thiết bị theo hợp đồng xuất xứ là EU/G7 nhưng hồ sơ tài liệu nhập khẩu thể hiện xuất xứ là của Trung Quốc. Theo hợp đồng, máy phân tích và Bộ lọc phân tử xuất xứ là EU/G7, thực tế nhập khẩu, xuất xứ của hai thiết bị này là Trung Quốc với giá trị 0,128 triệu USD. Nhưng đơn vị tư vấn vẫn cấp chứng thư giám định trong đó đánh giá là phù hợp.

Ngoài ra, 316 thiết bị có sự thay đổi về thông số kỹ thuật giữa thiết kế nghiệm thu so với hợp đồng.

Đó là những nội dung Kiểm toán Nhà nước muốn công an làm rõ thêm.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị công an làm rõ việc chưa kịp thời xem xét, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc nhà máy sau khi đi vào vận hành khai thác đã gặp nhiều sự cố về kỹ thuật, hỏng hóc phải dừng máy để sửa chữa khắc phục, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án đầu tư.

Tính đến hết năm 2018, dự án đạm Ninh Bình lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kết quả thua lỗ kéo dài nên Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án hỗ trợ dự án, theo đó cho phép giảm số trích khấu hao tài sản cố định so với số phải trích theo quy định của Bộ Tài chính đối với một số năm. Nếu trích đủ khấu hao trong các năm 2015 đến 2018, thì số lỗ lũy kế lên tới hơn 6.200 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.300 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính hiện nay.

Do nhà máy không hiệu quả, không có khả năng trả nợ đến hạn nên Vinachem đã phải hỗ trợ trả các khoản nợ đến 31/12/2018 là hơn 885 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy này cũng không có khả năng trả nợ trong 3 năm tới.

 Nhiều chi phí chưa hợp lý


Chi phí đi công tác nước ngoài tổng cộng là 28 chuyến, 141 lượt cán bộ với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Nội dung, công việc của chuyến đi chủ yếu là để xem xét, soát xét, thẩm định thiết kế, kiểm tra tiến độ thiết kế, chế tạo của nhà thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ... “Việc tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài với những nội dung, công việc nêu trên là chưa thực sự tiết kiệm, ảnh hưởng đến tính kinh tế của dự án”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Chi phí mua xe Huyndai 47 chỗ với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng cũng bị Kiểm toán Nhà nước cho là chưa thực sự cần thiết với nhu cầu của Ban quản lý dự án, chưa tiết kiệm, ảnh hưởng đến tính kinh tế của dự án. Thực tế, ban quản lý đã có 2 xe 7 chỗ, 1 xe 16 chỗ và 1 xe 5 chỗ.

Lương Bằng

Đại dự án 10.000 tỷ, lỗ đậm 5.000 tỷ, mắc kẹt với đối tác Trung Quốc

Đại dự án 10.000 tỷ, lỗ đậm 5.000 tỷ, mắc kẹt với đối tác Trung Quốc

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc chọn nhà thầu Trung Quốc tại đạm Ninh Bình còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của gói thầu EPC dự án và của dự án nói chung