Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tiếp tục vinh danh Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng với 73,4/100 điểm. Xếp thứ hai là Đồng Tháp với 72,1 điểm, Vĩnh Long đứng thứ 3 với 71,3 điểm và Bắc Ninh đứng thứ 4 với 70,79 điểm.

Thủ đô Hà Nội xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng với 68,8 điểm, còn TP.HCM xếp thứ 14 với 67,16 điểm. Nhóm xếp cuối là các địa phương gồm Đăk Nông, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu,...

Báo cáo PCI 2019 cho thấy có những chuyển biến rõ rệt về môi trường kinh doanh tại tất cả các địa phương trên cả nước. Sự năng động và sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý, giảm gánh nặng về chi phí không chính thức, về thủ tục hành chính,...

{keywords}
Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI

Những cải thiện ấn tượng nhất là các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ. Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tiếp tục giảm và được cải cách tại nhiều điạ phương, tiếp cận đất đai dễ dàng và minh bạch hơn.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp chi phí không chính thức giảm, trong khi đó, trước chỉ có tăng. Mức giảm từ 66% của các năm 2015-2016 xuống còn 53%. Đó là nhờ sự công khai minh bạch của chính quyền địa phượng kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả. Cùng với đó, nhũng nhiễu về thủ tục hành chính cũng giảm. Thiết chế pháp lý về giải quyết tranh chấp được cải thiện, có tới 50% số doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết họ đưa các vụ việc ra tòa án, tăng cao so với mức 36% trong năm 2018. 

Các DN cho biết những khó khăn phát sinh được giải quyết nhanh và dễ dàng hơn. Sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và FDI có xu hướng bình đẳng hơn.

Chất lượng về hạ tầng cơ sở như giao thông, điện, Internet nhận được sự hài lòng của nhiều DN tại mọi địa phương, kể các từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Rõ ràng, điều hành kinh tế các tỉnh có sự đổi mới và tiến bộ qua 15 năm tiến hành điều tra PCI. Nếu năm 2006 địa phương có chỉ số PCI thấp nhất là 36/100 điểm thì đến 2019 điểm số thấp nhất là 60/100.

Dù vậy, không gian cải cách vẫn còn dư địa rất lớn với chính quyền các địa phương. Theo các DN, những lĩnh vực gây phiền hà nhất với họ hiện nay là đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ các doanh nghiệp thực thi dự án xây dựng gặp vướng mắc do thủ tục hành chính, đất đai, môi trường cao chiếm tới 52%, ngang ngửa với khó khăn về bán hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp phải bỏ chi phí không chính thức dù đã giảm nhưng vẫn cao, trên 50%. Cũng tương tự là tỷ lệ doanh nghiệp phải thương lượng với cán bộ thuế đã giảm từ 53,2% năm 2018 xuống còn 47,1% năm 2019, nhưng vẫn cao.

Nhiều doanh nghiệp cho biết phải có “mối quan hệ” để có được thông tin, thương lượng về mức thuế và khả năng dự đoán được việc thực thi chính sách của chính quyền.

Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.

Trần Thủy