Thêm chính sách thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao

Sau hơn 6 năm thành lập, trường ĐH Hạ Long trở thành một trong những địa chỉ thu hút HS, SV trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh theo học. Nhà trường ngày càng mở rộng về quy mô tuyển sinh, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy.

Theo định hướng phát triển đến hết năm 2025, quy mô đào tạo chính quy của ĐH Hạ Long sẽ đạt từ 8.000 -10.000 SV, trong đó SV đại học chiếm trên 80%. Đến năm 2030, ĐH Hạ Long sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu cả nước trong đào tạo nhân lực các ngành du lịch, nghệ thuật, ngôn ngữ; phát huy vai trò động lực của khu đô thị đại học, là nơi thu hút các tổ chức giáo dục, đào tạo, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, quy mô đào tạo từ 15.000 - 20.000 SV.

Để nâng cao chất lượng và quy mô nhân lực, mới đây Quảng Ninh đã thông qua chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường. Theo đó SV các ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Nuôi trồng thủy sản, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ được thưởng học bổng đầu vào từ 15-50 triệu đồng nếu có điểm trúng tuyển cao theo từng mức cụ thể; được thưởng nếu có thành tích cao trong suốt quá trình học tập, tốt nghiệp và được hỗ trợ tuyển dụng làm việc tại Quảng Ninh.

{keywords}
SV trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh

Không chỉ tại ĐH Hạ Long, tại trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, HS, SV theo học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (Cắt gọt kim loại; Hàn; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Công nghệ ô tô), tùy theo đối tượng sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí hàng tháng, tiền ăn, chi phí học tập và được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên vào trường cũng được hỗ trợ 300 triệu đồng, hỗ trợ 150 triệu đồng nếu được cử đi đào tạo nâng cao trình độ các nghề phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, SV cũng được xét hỗ trợ tiền đóng học phí hàng tháng, tiền ăn, chi phí học tập, thêm hỗ trợ sau tốt nghiệp khi làm việc tại các xã khu vực I...

Đổi mới toàn diện khâu đào tạo nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Từ năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ năm 2015, tỉnh tập trung triển khai Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Quảng Ninh cũng ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường ĐH Hạ Long,chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với SV học các chuyên ngành tỉnh; chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh…

Riêng trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nguồn lao động địa phương hiện có gần 800.000 người, tỷ lệ đã qua đào tạo khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề, tuyển sinh 34.000-35.000 người/năm.

Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.”

{keywords}
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - bước đột phá của Quảng Ninh

Hiện Quảng Ninh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với kinh phí dự kiến 1.133 tỷ đồng, thực hiện từ 2021-2025, từ việc phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm KT-XH và phát triển, đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...

Theo đề án, Quảng Ninh dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 cán bộ công chức viên chức (CBCCVC), tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh 750 CBCCVC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 1.100 CBCCVC, tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng...

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh của tỉnh, Quảng Ninh cũng quan tâm cơ chế chính sách đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh.

Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh cũng sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.

N.M