- Nhìn mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết, nhiều người sẽ giật mình: gạo Thái, gà xông khói Hàn Quốc, ngỗng Nga, bò Úc, táo Mỹ, nho Nhật,... phần lớn là đồ ngoại. Một năm trầm kha với nông nghiệp Việt do bất khả kháng, song, phía trước, nỗi lo còn lớn hơn khi hội nhập, nông sản ngoại đổ bộ.

Những đốm sáng nhỏ

Nông nghiệp gặp khó khăn chưa từng thấy trong 6 năm qua do biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên ngành tăng trưởng âm. Song với sức gồng lên, cuối cùng nhà nông năm nay cũng có một mùa thu hoạch ưng ý.

Kỳ mục sở thị tại Mộc Châu (Sơn La) mới cảm nhận được dự báo rằng vùng đất cao nguyên này đang trở thành Đà Lạt của phía Bắc, với vô số những rau hoa quả thế hệ mới miền ôn đới đang tấp nập về xuôi.

{keywords}

Năm 2016, tôm Việt Nam vào được 75 thị trường, chiến tỷ trọng 45% kim ngạch thủy sản.

Không chỉ nơi này, giờ đây rau hoa quả đã chuyển mình ở nhiều vùng miền, khiến cho quỹ hoa quả Việt ngày càng sung túc. Cộng với sự lăn lưng xúc tiến xuất khẩu, mùa vụ nào thì thúc đẩy rau quả ấy, có lẽ đấy là cái gốc để xuất khẩu rau quả sải nhanh, vượt xuất khẩu gạo, đứng thứ trong 9 mặt hàng nhóm nông lâm thủy sản. Nhiều loại quả nhiệt đới, nhờ áp dụng công nghệ mới, lần dầu tiên được các thị trường khó tính chấp nhận, điển hình là vải thiều, xoài, thanh long, vú sữa,...

Nhớ lại những ngày xốn xang vì sự cố môi trường biển, cứ ngỡ thủy sản năm nay “dính chưởng”. Con số tăng trưởng xuất khẩu thủy sản qua quý I, rồi quý II, tụt giảm, đã mách bảo như vậy.

Nhưng rồi những tháng cuối năm, các con số đó tươi tắn dần. Năm 2016, tôm vẫn nhất bảng với việc vào được 75 thị trường, chiến tỷ trọng 45% kim ngạch thủy sản. Mỹ vẫn là khách hàng mua tôm lớn nhất, chiếm 23,4% thị phần tôm Việt Nam xuất khẩu. Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tôm tuy bơi giật lùi nhưng đang tiến.

Cá tra duy trì vị trí số 2, lọt qua bao phán xét áp thuế chống bán phá giá. Đáng chú ý là việc vươn lên của cá ngừ đại dương. Hợp tác với Nhật Bản đánh bắt, bảo quản ngoài khơi, chế biến đưa thẳng từ bến bờ Việt Nam tới kho hàng Nhật Bản, nâng giá đáng kể. Hiện có 8 thị trường lớn nhập 88% lượng cá ngừ của ta gồm Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật, Canada, Mexico.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,66 tỷ USD năm 2016, giữ vững vị trí thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới.

Nỗi buồn và sự thôi thúc chuyển đổi

Tuy nhiên, nhắc tới mặt hàng gạo cảm thấy như vô tình chạm vào nỗi buồn da diết. Sau bao năm hãnh diện từ chỗ thiếu đói nay dư dả xuất khẩu, thì năm nay chúng ta chứng kiến sự sa sút toàn diện. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bao năm rồi chất lượng hạt gạo làng ta vẫn dậm chân tại chỗ. Giống má lôm nhôm.

{keywords}

Sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam rất thấp.

Vì thế, nói hạt gạo Việt chẳng những thất bát trên sân khách mà còn thua cả trên sân nhà là không ngoa ngôn. Gạo Thái, rồi gạo Campuchia từ sạp hàng đã vào nồi cơm của không ít gia đình.

Nhờ đổi mới, chăn nuôi thành ngành sản xuất lớn, chuồng đông đàn, phản thịt chợ ngồn ngộn, giá hợp lý. Lợn sữa đã từng sang Hồng Kông. Thịt lợn tảng đã xuất qua Nga. Thịt sạch và sản phẩm từ thịt của công ty Vissan được nhiều người biết đến.

Song, ngần ấy chưa khỏa lấp được mối lo thực phẩm ngoại đang tràn vào. Bò Úc, đùi gà, xúc xích Đức, sữa cô gái Hà Lan, nho Nhật, dâu Hàn Quốc,... không còn xa lạ vì giá rẻ. Thực phẩm nội càng bị đồ ngoại lấn át khi hàng rào thuế quan hai bên cùng hạ. Chép miệng “thịt ngoại đè thịt nội” không còn là câu tếu táo, mà là lời cảnh báo.

Vấn đề là chúng ta đã nhận ra, nhận ra từ lâu, rằng hàng nội giá thành cao vì lối sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng được nhiều tiến bộ kỹ thuật và cõng quá nhiều loại phí.

Việt Nam đã không còn là nước nghèo và đang chuyển sang hình thức phát triển nông nghiệp và nông thôn mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt 3 vấn đề lớn: Tăng trưởng giảm - nông nghiệp tổn thương do khí hậu và môi trường - khoảng cách giữa thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp càng doãng ra.

Vì vậy, phải thay đổi cơ cấu nông nghiệp, từ sản xuất sang kinh doanh bằng cách thúc đẩy liên kết ngang giữa nông dân - nông dân và liên kết dọc giữa nhà nước - nhà nông - nhà kinh doanh - nhà khoa học.

Theo đó, bao trùm là xây dựng nền công nghiệp cho nông nghiệp theo kịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không chỉ áp dụng công nghệ cứng (máy móc) mà cả công nghệ mềm, các phương thức kết nối phi truyền thống.

Ưu tiên xây dựng hạ tầng cho nông thôn, cảnh báo sớm về thời tiết cho nông vụ. Thúc đẩy tích tụ ruộng đất, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn đi đôi với hỗ trợ hệ thống sản xuất, nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho lao động nông nghiệp và các phúc lợi xã hội khác cho nông dân.

Khuyến khích nông dân tham gia mô hình hợp tác xã dịch vụ kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp để có điều kiện tiếp cận với công nghệ, cung ứng sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Tạo điều kiện, khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tập trung lao động và các nguồn lực khác vào việc phát triển nền sản xuất nông nghiệp đẳng cấp cao trước hết ở các vùng trọng điểm, cơ sở hạ tầng, thổ nhưỡng, mưa thuận gió hòa. Thực hiện xanh hóa nông nghiệp, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm ưu tiên những hàng hóa chủ lực của từng ngành, mỗi vùng miền.

2017 - xuân mới đang ùa đến. Thiên địa khó định đoán nên phải thuận theo ý trời. Đặc biệt, nền kinh tế sẽ có những tổn thương mà nông nghiệp - vốn mảnh mai như chẽn lúa - thường phải hứng chịu nhiều nhất, hại lâu dài nhất. Đi lên từ vạch xuất phát thấp nên “tự cứu mình trước khi trời cứu”, lời răn ấy không chỉ ứng cho nông nghiệp.

Nguyễn Duy Nghĩa