Vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm,... đều liên quan đến đất đai, quá trình thu hồi, chuyển nhượng đất, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, nhiều kẽ hở biến đất công thành đất tư khiến nhiều cá nhân thu lợi hàng ngàn tỷ trong khi ngân sách thì thất thu.

Dự án “kiểu Vũ nhôm” xuất hiện khắp Sài Gòn

Vũ Thị Hoan, sếp lớn 8X liên quan đến vụ Út Trọc vừa bị bắt là ai?

“Tới đây chắc còn nhiều vụ nữa”

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thốt lên như vậy khi đề cập đến những sai phạm “tày trời” liên quan đến đất đai.

Theo ông Vũ Đình Ánh, giai đoạn 2014-2018 cho thấy sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm,...

{keywords}
Đất công thành đất tư, rơi vào tay những kẻ như Vũ "nhôm".

Sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai do nguyên nhân chủ quan, cố tình vi phạm pháp luật của tổ chức và cá nhân có liên quan, do đó cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản cho Nhà nước và xã hội.

“Không phải nguyên nhân khách quan. Tất cả là cố tình, chủ quan, không thể nói do hoàn cảnh”, ông Ánh nói.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cũng cho rằng: Nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Trong số các sai phạm về đất đai thì việc biến đất công thành đất tư xảy ra nhiều lùm xùm hàng đầu. Chỉ một quyết định chuyển mục đích sử dụng đất có thể làm giá trị khu đất tăng vọt.

Theo ông Vũ Đình Ánh, khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị quyền sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa DNNN, trước và sau khi bán tài sản Nhà nước có gắn với đất đai, trước và sau khi giao đất thực hiện dự án theo hình thức BT,... gây thất thoát rất lớn cho NSNN, biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân hay một nhóm cá nhân, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

“Giá trị đất đai sau chuyển đổi mục đích không rơi vào ngân sách nhà nước, mà rơi vào cá nhân. Nhà nước không thu được gì”, ông Ánh chia sẻ.

Ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, cho hay: Một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất. Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

{keywords}
Một quyết định có thể làm thay đổi giá trị cả khu đất.

Chặn tiền bất chính rơi vào túi cá nhân

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN, hay một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá.

Ông Hồ Đức Phớc đưa ra một trong hàng ngàn ví dụ về sự bất cập của chính sách, đó là áp dụng phương pháp xác định giá đất.

Theo quy định hiện hành (Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Thông tư 36/2014/TT-BTNMT) có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào do đó các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.

“Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị, đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi gây thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Có phương pháp phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù, dự phòng,... đã tác động thay đổi giá đất định giá làm thất thu ngân sách nhà nước.

Vì vậy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đề xuất chỉ nên lấy một vài phương pháp xác định giá đất. Cụ thể, có thể lấy 2 phương pháp là phương pháp so sánh trực tiếp và phương án hệ số. Khi đó giá đất sẽ phản ánh sát giá thị trường hơn.

Ngoài ra, cần áp dụng thêm biện pháp không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi đất đai thuộc DN, đơn vị sự nghiệp chuyển sang cho DN cổ phần, cho tư nhân.

"Mục đích trước khi chuyển nhượng thế nào thì sau khi chuyển nhượng là như vậy. Trước đây là đất trụ sở thì sau là trụ sở, trước là đất thương mại thì sau là đất thương mại. Khi không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước. Thế thì không còn tình trạng lợi dụng đất vàng nữa", lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Nhắc đến chuyện bán vốn tại nhà nước tại Vinaconex, ông Hồ Đức Phớc cho rằng có tình trạng mua vốn DN không nhìn vào sức mạnh, tài sản lợi thế DN mà nhìn vào lợi thế đất vàng.

“Ông nghĩ mua được phần vốn này thì là ông chủ của công ty này, có hàng loạt lô đất vàng. Hàng loạt lô đất này mà không cho chuyển mục đích sử dụng thì không có ý nghĩa gì hết”, ông Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Lương Bằng

Đất vàng 'dậy sóng': Loạt quan chức nhúng chàm, lao lý

Đất vàng 'dậy sóng': Loạt quan chức nhúng chàm, lao lý

Nhiều doanh nghiệp nhà nước có đất vàng khi hợp tác liên doanh với tư nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để chủ đầu tư hưởng lợi khủng trong khi ngân sách thất thu vài ngàn tỷ.