Chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, đã có tới 3 vụ bê bối của các nhà sản xuất đến từ đất nước mặt trời mọc. Ban đầu là túi khí Takata, sau đó tới sự gian lận của Mitsubishi và Suzuki. Điều gì đang xảy ra với tinh thần Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới về sự trung thực và lòng tự trọng.

Trong khi cơn bão túi khí Takata còn chưa lắng xuống, cứ vài ngày trôi qua, người ta lại thấy có thêm hàng triệu xe hơi trên thế giới bị đưa vào danh sách triệu hồi thì ngành công nghiệp Nhật Bản lại phải nhận thêm liên tiếp 2 tin xấu. Đó là bê bối gian lận khí thải, tiêu hao nhiên liệu của Mitsubishi và Suzuki. Đây là việc từ trước tới nay chưa có tiền lệ.

Trước sức ép của dư luận và hội đồng quản trị, tuần vừa rồi, ông Osamu Suzuki, CEO hiện tại của Suzuki Motor đã tuyên bố từ chức. Như một truyền thống của người Nhật, ông cúi đầu xin lỗi trước báo giới và nhận hết trách nhiệm về mình. Ông cảm thấy mình “thiếu đạo đức và vô cùng hổ thẹn”.

{keywords}

Ban lãnh đạo Suzuki cúi đầu xin lỗi

Lẽ ra, lời xin lỗi của ông Suzuki sẽ được cảm thông hơn nếu như ông và ban lãnh đạo công ty không chối đây đẩy trách nhiệm của mình cách đây ít ngày.

Trong tuyên bố gần đây nhất, phát ngôn viên của Suzuki còn cho rằng, đúng là công ty có gian lận nhưng việc này hoàn toàn “không cố ý”. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là nguyên nhân khiến họ thiếu nguồn lực và không thể thực hiện các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản?

Ấy vậy mà lời xin lỗi của ông Osamu Suzuki vẫn còn là dễ nghe chán so với lời của chủ tịch Mitsubishi Motors. Ông này cho rằng, công ty đã siết chặt các quy định trong nhà máy nhưng không phải nhân viên nào cũng có ý thức tuân thủ?

{keywords}

Tôi chưa rõ tại sao các nhân viên lại cố ý gian lận dữ liệu, ông Tetsuro Aikawa, chủ tịch Mitsubishi Motors thắc mắc.

Lời biện hộ của ông Tetsuro Aikawa có phần hơi ngô nghê. Bởi nếu là việc của một vài nhân viên không trung thực thì sự gian lận này đã không kéo dài suốt 25 năm và chỉ bị phanh phui sau phát hiện của đối thủ Nissan.

Trong quá khứ, cũng đã từng có những vụ bê bối kinh doanh liên quan đến các công ty Nhật Bản, thế nhưng họ luôn khiến thế giới nể phục bởi lòng tự trọng và tinh thần tự nhận lỗi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay rất khác so với trước, nền kinh tế Nhật không còn ở trong thời kỳ hoàng kim. Bị sức ép cạnh tranh khốc liệt, liệu các công ty ở xứ sở hoa anh đào còn giữ được chất riêng của mình? Những cái cúi đầu xin lỗi có đang dần mất đi giá trị?

Giá trị thương hiệu Nhật trong mắt người tiêu dùng

Những vụ bê bối trong thời gian qua đang làm ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu đối với các sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản.

Mặc dù đã cố gắng hết sức để khắc phục lỗi túi khí, nhưng sự tồn tại của Takata vẫn rất mong manh. Ngoài ra, hai vụ gian lận liên tiếp của Mitsubishi và Suzuki cũng đang khiến các khách hàng đặt dấu hỏi lớn về tính trung thực của các nhà sản xuất nước này.

Điều gì đã khiến hai công ty này phải thực hiện hành vi gian dối?

{keywords}

Nissan đã nhanh tay thâu tóm Mitsubishi

Những năm gần đây, các công ty Nhật đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ đến từ Hàn Quốc. Sự nhỉnh hơn về độ bền không đem lại lợi thế nhiều như trước nữa. Thay vì chọn xe “nồi đồng cối đá”, một số khách hàng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có giá phải chăng, đủ tốt và có những tính năng hiện đại.

Trong khi đó, các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ ngày càng có yêu cầu cao hơn về mức độ tiêu thụ nhiên liệu, khí thải. Điều này gây khó khăn cho các công ty Nhật quy mô trung bình bởi họ không có nhiều tiền đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Thực tế, trước khi bị phát hiện gian lận, hãng Suzuki cũng đang ở bên kia sườn dốc.

Hiện tại, Mitsubishi đã về một nhà với Nissan. Có thể trong thời gian tới, các công ty nhỏ sẽ tiếp tục sát nhập với nhau để tăng sức cạnh tranh.

Hoàng Hiệp