Phiền hà, khó khăn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” năm 2020. Trong Báo cáo này, VCCI đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề giấy phép xây dựng và các giấy phép liên quan nhằm phác họa bức tranh của công tác thực thi, chứ không chỉ dừng lại ở các quy định.

Kết quả khảo sát cho thấy, các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng chưa thực sự dễ dàng đối với các doanh nghiệp. Các thủ tục khó khăn nhất gồm đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quyết định chủ trương đầu tư,...

{keywords}
Các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng vẫn gây khó doanh nghiệp 

Cụ thể, có 43,8% doanh nghiệp, gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư; 58,4% gặp khó khăn trong các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 52% gặp khó trong các thủ tục liên quan đến quy hoạch, xây dựng; 39,6% gặp khó khi thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; 38,3% gặp khó khi thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; 36,2% gặp khó về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; 38,2% gặp khó về công tác thanh kiểm tra xây dựng,...

Đáng chú ý, các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm các thủ tục về xây dựng so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp quy mô lớn.

Vấn đề chậm xử lý hồ sơ, quá thời hạn quy định cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Nguyên nhân lớn nhất gây phiền hà cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về xây dựng là cán bộ giải quyết hồ sơ và quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để có thể được cấp phép, trung bình là 3 lần. Đánh giá của doanh nghiệp cho thấy, vấn đề cấp phép xây dựng đã giảm điểm trong năm 2020 so với 2019. Mức độ chuyển biến trong cấp phép xây dựng được các doanh nghiệp đánh giá tốt và rất tốt chỉ đạt 34%.

Trong khi đó, có đến 71% các doanh nghiệp từng làm thủ tục đất đai trong năm 2020 phản ánh, gặp khó khăn, tăng mạnh so với tỷ lệ 61% của năm 2019. Tính minh bạch về thông tin đất đai không có nhiều cải thiện.

Với lĩnh vực đất đai, 3 khó khăn lớn các doanh nghiệp gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ dài hơn quy định, cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ, thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian.

Vì vậy, có tới 68% số doanh nghiệp cho biết phải hủy bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch kinh doanh do gặp khó về thủ tục đất đai. Có 32% DN đã phải chi trả chi phí không chính thức trong giả iquyết thủ tục đất đai. Đây là tỷ lệ rất lớn, gây bất lợi cho môi trường kinh doanh.

Cải cách chậm

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, có ví dụ rất điển hình là hiện nay không doanh nghiệp nào muốn đầu tư xây nhà cho người có thu nhập thấp. Hỏi thì được biết do thủ tục xây dựng phức tạp, thời gian kéo dài, chi phí lớn, giá bán thấp, chắc sẽ không bù đắp nổi. Chỉ xây nhà cho đối tượng thu nhập cao mới có lợi nhuận.

{keywords}
 

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020, do VCCI công bố ngày 15/4 cũng cho thấy, tại các địa phương, có tới 57,4% doanh nghiệp phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận bản đồ, quy hoạch sử dụng đất cao nhất, chiếm tới 51% Việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn khó khăn, chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành chỉ thị 08 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Chỉ thị này đã đưa ra nhiều biện pháp như rút ngắn thời gian làm thủ tục, liên thông các thủ tục hành chính về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật,... Tuy nhiên, nhiều nội dung yêu cầu này chưa được thực hiện và các doanh nghiệp không cảm nhận được tác động tích cực từ các quy định này.

Theo VCCI, theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business) từ Ngân hàng Thế giới (WB), điểm số về cấp phép xây dựng của Việt Nam khá cao nhưng phương pháp đo lường của Doing Business vẫn dựa nhiều vào quy định pháp luật về các thủ thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, điều này chưa phản ánh hết thực tế đang diễn ra.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của WB giai đoạn 2014-2019, chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam đã giảm 3 bậc, từ vị trí 22 giảm xuống 25. Lĩnh vực đất đai và xây dựng do các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng quản lý, với nhiều luật chi phối. Sự hợp tác, chia sẻ dữ liệu trong quản lý nhà nước chưa như mong muốn nên việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm.

Trần Thủy