- Trong khi VAMA với các thành viên như Ford, Honda, Mercedes-Benz… cho rằng một số quy định tại Nghị định 116 gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ý kiến của 1 số doanh nghiệp sản xuất trong nước và giới chuyên gia nhận định ngược lại. Theo các chuyên gia, không thể có một nền công nghiệp ô tô thực sự nếu chỉ đầu tư nhỏ lẻ, thiếu bài bản. Nếu chỉ vì một vài điều kiện tối thiểu mà đã kêu ca chẳng khác nào chỉ nhìn vào ưu đãi, đầu tư đơn giản, thu lãi ngắn hạn... như thế khó có thể có một nền công nghiệp ô tô đúng nghĩa.

Thích ưu đãi chỉ để đầu tư đơn giản?

Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô sau khi được công bố, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi kiến nghị, bày tỏ lo ngại một số quy định sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi trước đó, giai đoạn đóng góp ý kiến cho dự thảo, VAMA từng ủng hộ tích cực nhằm thiết lập lại thị trường ô tô Việt Nam.

Một trong những khó khăn được VAMA nêu ra là yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, VAMA lại cho rằng họ không thể tìm được bất kỳ một Giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong khi thực tế, xe lắp ráp trong nước, để ra thị trường phải qua các khâu thiết kế, thẩm định thiết kế, thử nghiệm, kiểm tra linh kiện, cụm linh kiện tổng thành, vật tư sản xuất sau đó Cục Đăng kiểm mới cấp Giấy chứng nhận kiểu loại cho loại xe đó.

Như vậy, xe sản xuất trong nước phải tuân thủ các điều kiện như vừa nêu bởi xe được sản xuất với mục đích sử dụng tại Việt Nam với điều kiện hạ tầng, đường sá… phù hợp tiêu chuẩn. Trường hợp VAMA kiến nghị sẽ dẫn đến các cơ quan đăng kiểm không thể kiểm tra, thử nghiệm được tất cả các vật tư dùng trên xe.

{keywords}
Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô gây tranh cãi.

Liên quan đến yêu cầu thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu VAMA cho rằng, điều này dẫn đến các xe cùng kiểu loại sẽ phải thử nghiệm lại vì nằm ở các lô khác nhau, quy định không có ý nghĩa về mặt chất lượng, chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và làm lãng phí chi phí của xã hội.

Với yêu cầu đường thử tổng chiều dài 800m, VAMA cho biết, thời điểm hiện tại, không có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định 116. Do đó, hiệp hội này đề xuất: “Không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay”.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho biết, việc thử nghiệm xe trước khi ra thị trường là yếu tố quan trọng, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng trong đó đường thử chỉ là một trong các yếu tố.

“800m không phải là khắt khe, quốc tế và doanh nghiệp có nơi còn dài 2km hoặc hơn, 800m chỉ là tối thiểu. Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp thì sản phẩm phải đảm bảo tiêu dùng, nếu coi rẻ tính mạng người tiêu dùng mà trốn làm đường thử thì cũng cho thấy tâm lý của doanh nghiệp và cam kết đầu tư lâu dài vào quốc gia đó”, ông Đức nói.

Trước các kiến nghị được doanh nghiệp ngoại thuộc VAMA đưa ra, ý kiến các chuyên gia kinh tế cũng thể hiện sự không đồng thuận và cho rằng, Nghị định 116 đã dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp ngoại chèo kéo ưu đãi để chỉ đầu tư đơn giản, dễ dàng nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán, tận dụng thuế nhập khẩu sẽ giảm từ ngày 1/1/2018 thay vì mở rộng đầu tư, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá…Điều này cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đồng thời không tạo ra công ăn việc làm, biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ và khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu khi thuế về 0%.

Đầu tư lớn, hưởng ưu đãi cao: Sao không làm?

{keywords}

Ông Đức cũng cho rằng, bản chất, doanh nghiệp ngoại không muốn sản xuất và chỉ muốn nhập khẩu, điều đó không được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nên nhìn tổng thể thay vì chỉ nhìn vào quyền lợi của riêng mình.Cho rằng những quy định tại Nghị định 116 là không “khắt khe”, ông Lê Ngọc Đức cho biết, các doanh nghiệp trong nước đều phải làm và thấy cần thiết làm dù chi phí tốn kém hơn.

“Trường hợp doanh nghiệp FDI kêu phân biệt đối xử, chính sách chỉ dành cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam, phân ra nhập khẩu và lắp ráp vậy các doanh nghiệp FDI hãy đầu tư đi, làm nhà máy, mở rộng sản xuất đi để lấy ưu đãi”, ông Đức nói.

Bình luận về việc đầu tư đường thử mới hoặc mở rộng quy mô đường thử, ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch Thaco kiêm Phó chủ tịch VAMA cho biết, việc đầu tư làm đường thử mới hoặc mở rộng quy mô đường thử thể hiện việc gắn bó lâu dài của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong tình hình thuế nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp sẽ hướng đến nhập khẩu nguyên chiếc hơn là chú trọng sản xuất, lắp ráp, ảnh hưởng đến công việc của người lao động, nguồn thu của ngân sách.

Về việc kiểm tra chất lượng đối với từng lô, ông Kha cho biết, điều này là cần thiết vì nếu chỉ kiểm tra, thử nghiệm các lô xe đầu tiên và không kiểm tra các lô xe tiếp theo thì không thể kiểm soát được chất lượng của các lô xe tiếp theo đó. Hơn nữa, sẽ không tạo sự bình đẳng như ô tô sản xuất trong nước.

Mạnh Phan