"Tham vọng công nghệ của Trung Quốc đã được thể hiện rõ trong kỳ họp lưỡng hội của nước này", PGS James Crabtree tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) viết trên Nikkei Asian Review.

Hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận chính phủ nước này tăng mạnh chi tiêu công trong các lĩnh vực như chất bán dẫn trong thời điểm cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký lệnh tiến hành đánh giá 100 ngày đối với chuỗi cung ứng pin dung lượng cao, vật tư y tế, đất hiếm và chip bán dẫn tại Mỹ.

"Những người muốn hạ nhiệt cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ thất vọng. Bởi ông Biden có thể vừa tìm cách lôi kéo các nhà cung cấp chip toàn cầu chuyển sang Mỹ, vừa ngăn Trung Quốc tiếp cận nguồn cung của những sản phẩm tiên tiến nhất trong ngành", vị chuyên gia tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu viết.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tăng cường ngăn chặn nguồn cung công nghệ Mỹ với các nhà sản xuất Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lôi kéo các nhà sản xuất

Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã buộc các nhà sản xuất ôtô Mỹ phải ngừng hoặc giảm tốc quá trình sản xuất. Điều đó tác động đến quyết định của ông Biden. Về dài hạn, chính quyền Mỹ rơi vào thế khó khi vừa phải khôi phục lại lĩnh vực sản xuất chip, vừa ngăn chặn những bước tiến công nghệ của Trung Quốc.

Các công ty Mỹ vẫn chiếm 50% thị phần chất bán dẫn toàn cầu, tuy vị thế dẫn đầu của họ gần như chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế.

Trong những thập kỷ gần đây, các nhà sản xuất chip như Qualcomm và Nvidia chủ yếu thuê ngoài gia công những công ty châu Á như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ cũng đang lên kế hoạch thuê ngoài gia công tại châu Á nhiều hơn với TSMC.

Các chiến lược gia Mỹ coi đây là một sai lầm. Điều đó khiến hoạt động sản xuất chip toàn cầu tập trung vào Hàn Quốc và Đài Loan, do đó dễ bị Trung Quốc can thiệp.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thuyết phục TSMC xây dựng cơ sở trị giá 12 tỷ USD ở Arizona. Tuy nhiên, các báo cáo cho biết giá trị của nhà máy hiện có thể lớn gấp nhiều lần.

{keywords}
Mỹ vừa phải khôi phục lại lĩnh vực sản xuất chip, vừa cần ngăn chặn những bước tiến công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Samsung Electonics cũng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ USD tại Mỹ, tận dụng hàng trăm triệu USD giảm thuế. Theo luật mới, các công ty xây dựng nhà máy mới ở Mỹ có thể được hưởng khoản giảm thuế lên tới 3 tỷ USD.

Các nhà máy mới của TSMC và Samsung có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2023. Những cơ sở mới khác sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Đằng sau những nhà máy mới tại Mỹ là một thỏa thuận bất thành văn. Theo đó, TSMC và Samsung sẽ sản xuất các sản phẩm tiên tiến nhất của hãng ở Mỹ. Điều này có thể giúp Mỹ phục hồi chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, rủi ro Trung Quốc nắm giữ những công nghệ tiên tiến tương tự vẫn còn đó.

Vũ khí chất bán dẫn

Một câu hỏi khác dành cho Tổng thống Biden là quyền tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ Mỹ, vốn đang bị hạn chế kể từ chính quyền của ông Trump.

Theo đó, những công ty bị liệt vào danh sách cấm vận (bao gồm Huawei Technologies và nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp) sẽ không được mua các sản phẩm công nghệ quan trọng của Mỹ.

"Chính quyền ông Biden có thể đưa ra các biện pháp rõ ràng hơn nhằm duy trì vị thế dẫn đầu ngành bán dẫn của Mỹ. Thay vì hạn chế quyền tiếp cận của một số công ty cụ thể, Mỹ sẽ tìm cách hạn chế công nghệ chip tiên tiến với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc", PGS Crabtree khẳng định.

Tuy nhiên, việc hạn chế bán chip cho Trung Quốc cũng có một số trở ngại. Bởi rất nhiều nhà sản xuất Mỹ đang làm ăn với khách hàng Trung Quốc. Các lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp Mỹ và sản xuất trong nước. Trung Quốc cũng sẽ chi mạnh để thúc đẩy tự cung công nghệ.

Theo ông, Mỹ cũng cần tăng cường hợp tác với các đồng minh ở châu Á và châu Âu, yêu cầu những nhà sản xuất chip châu Á ngừng sản xuất tại Trung Quốc, thậm chí không sử dụng kỹ sư Trung Quốc.

{keywords}
Câu chuyện của Huawei cho thấy hiệu quả của các chính sách ngăn chặn từ Washington. Ảnh: Reuters.

Một số công ty châu Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip tiên tiến. Đồng thời, đây là thời điểm Liên minh châu Âu (EU) bất đồng với các động thái mới của Trung Quốc.

Chiến lược chặn nguồn cung công nghệ có cơ hội thành công, ít nhất là trong ngắn hạn. Sự sa sút của gã khổng lồ Huawei là minh chứng điển hình.

"Giữa lựa chọn xoa dịu hoặc tăng cường gấp đôi căng thẳng với Trung Quốc, ông Biden có nhiều khả năng chọn cái thứ hai hơn", PGS James Crabtree khẳng định.

"Chất bán dẫn vẫn là một trong những lợi thế lớn nhất mà ông Biden có được so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và ở cuộc chiến mới, Mỹ sẽ chiến đấu với vũ khí nắm trong tay", ông nói thêm.

(Theo Zing)