Không còn là cảnh cáo, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức phát đi thông báo “tìm tung tích” chủ đầu tư Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea - Vũng Tàu để thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án 902 triệu USD đã nhiều năm không triển khai này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây ít ngày đã phát đi một văn bản khá “lạ”. Đó là yêu cầu Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea (thuộc Skybridge Intercontinental Development Corporation - Mỹ) liên hệ với Sở để giải quyết việc chấm dứt hoạt động của chủ đầu tư Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea - Vũng Tàu.

Lạ vì thông thường, những “trát” tìm kiếm tung tích này chỉ được gửi đi khi các cơ quan chức năng không liên lạc được với nhà đầu tư. Và thực tế thì trong văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nhắc đến thời điểm dự án ngừng hoạt động là năm 2015 (theo biên bản xác nhận ngày 18/12/2015). Tức là đã tròn 1 năm kể từ thời điểm dự án ngừng hoạt động. Sau văn bản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phóng viên Báo Đầu tư đã liên lạc với ông Michael Minh Nguyễn, Chủ tịch kiêm CEO của Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea, thông qua e-mail nhưng chưa nhận được phản hồi. Khoảng hơn 1 năm trước đây, Skybridge vẫn bày tỏ quyết tâm triển khai dự án này tại Việt Nam.

{keywords}

Dự án Dragon Sea Vũng Tàu vẫn bất động sau 6 năm được cấp phép.

Nhưng dù là “lạ” hay không, thì văn bản này của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu là “lời cáo chung” cho Dự án Dragon Sea. Theo quy định và cũng theo như “trát” truy tìm chủ đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, thì trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo, “nếu nhà đầu tư không liên lạc với cơ quan đăng ký đầu tư thì việc chấm dứt hoạt động của dự án sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Đây cũng là việc mà gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành để xử lý các dự án vắng chủ, hay dự án mà chủ đầu tư đã bỏ trốn.

Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2010, với vốn đầu tư đăng ký 902 triệu USD, Dragon Sea dự kiến phát triển thành một trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế trên diện tích 47 ha. Tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua, Dự án vẫn chưa được triển khai. Ngay cả việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất.

Thực tế, đây chính là một trong những khúc mắc lớn nhất trong việc triển khai dự án này. Năm ngoái, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Micheal Minh Nguyễn cho biết, Dự án bị ngưng trệ qua nhiều năm không thể triển khai, do tiền thuê đất tăng lên quá cao.

Vào thời điểm năm 2010, dự kiến số tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp một lần cho toàn bộ thời gian hoạt động của dự án (50 năm) và vốn cho khởi công thực hiện giai đoạn I Dự án Dragon Sea chỉ là 350 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là 325 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2012, khi bước vào thực hiện Dự án, con số mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo cho nhà đầu tư đã nâng từ 325 tỷ đồng lên đến 1.707 tỷ đồng. Nghĩa là, chỉ trong vòng hơn 2 năm, giá thuê đất đã tăng lên gấp hơn 5 lần.

“Điều này đã làm đảo lộn hết kế hoạch tài chính và tiến độ thực hiện Dự án của Tập đoàn Skybridge”, ông Micheal Minh Nguyễn cho biết.

Dù quyết tâm triển khai Dự án, nhưng việc giá thuê đất đột ngột tăng quá cao theo quy định mới của pháp luật đất đai Việt Nam, đã khiến chủ đầu tư Skybridge không kịp trở tay và đã nhiều lần đề xuất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét và vận dụng giá thuê đất hợp lý cho Dự án.

Trung tuần tháng 6 năm nay, khi lãnh đạo tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Bùi Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũng Tàu cũng đã nhắc đến câu chuyện giá thuê đất tăng quá cao, gấp 5-10 lần, có trường hợp tăng gần 20 lần, khiến các doanh nghiệp “hụt hơi”, không còn đủ năng lực để tiếp tục đầu tư. Hai trường hợp của Dragon Sea và Saigon Atlantis (vốn đăng ký 4,1 tỷ USD) cũng đã được ông Diệp lấy làm ví dụ để nhấn mạnh rằng, việc giá thuê đất tăng quá cao đã khiến các nhà đầu tư nản lòng, không thể tiếp tục triển khai dự án, dẫn tới dự án treo trong nhiều năm.

Dragon Sea đã “treo” 6 năm, còn Saigon Atlantic thậm chí còn treo tới 10 năm. Saigon Atlantic được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006.

Cũng cần nhắc lại rằng, cuối năm ngoái, quá sốt ruột trước tiến độ chậm chạp của một loạt dự án quy mô lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định thực hiện thanh tra liên ngành về tình hình triển khai và quá trình sử dụng đất của các dự án quy mô lớn, trong đó có Dragon Sea. Thông tin được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với Báo Đầu tư, đó là quá trình thanh tra sẽ cho biết, vì sao các dự án này chậm triển khai, lỗi thuộc về chính quyền địa phương hay nhà đầu tư. “Nếu là do năng lực của chủ đầu tư, sẽ phải xem xét để thu hồi dự án”, vị này cho biết.

Và nay thì quyết định cuối cùng đã được đưa ra, Dự án Dragon Sea sẽ bị chấm dứt đầu tư, dù là nhà đầu tư có chủ động tới làm các thủ tục cần thiết hay không. Trong câu chuyện của Dragon Sea, đúng là có những vướng mắc liên quan đến giá thuê đất, song cũng không phải không có những mắc míu liên quan chủ đầu tư. Dự án được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 2/2010, nếu sớm triển khai chứ không phải để đến tháng 8/2012 mới bắt tay vào thực hiện thì đâu đến nỗi.

Lỗi của ai không quan trọng, quan trọng là thêm một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn nữa “ra đi”. Và 6 năm dự án treo cũng có nghĩa là rất nhiều sinh kế của người dân, thậm chí là các cơ hội đầu tư khác trên khu vực dự án đã bị bỏ lỡ.

(Theo Đầu tư Online)