Phá bỏ vị trí độc tôn của than

Khoảng 90% trữ lượng than của cả nước tập trung ở Quảng Ninh nên không khó hiểu khi tỉnh này xưa nay chỉ mạnh về khai thác than, nhiệt điện và sản xuất xi măng. Tuy nhiên, tài nguyên hữu hạn mà áp lực về gánh nặng về ô nhiễm môi trường của các ngành công nghiệp này ngày càng tăng, buộc tỉnh phải thay đổi mô hình phát triển.

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII (9/2013) đã đánh dấu mốc chuyển mình quan trọng khi Tỉnh thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”, bớt dựa vào tài nguyên hữu hạn như than đá, phát huy những giá trị lâu dài như dịch vụ - du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, Quảng Ninh sẽ không còn phụ thuộc vào “vàng đen” nữa. 

Nhiều lần ông Nguyễn Văn Đọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhấn mạnh, Quảng Ninh muốn phá bỏ vị thế độc tôn của than thì phải tìm cách hút được nguồn lực khổng lồ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cởi nút thắt thể chế, phá bỏ tư duy quản lý, xây dựng nền hành chính phục vụ là cách để chính quyền Quảng Ninh thực hiện được điều đó.

Lời giải nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thành công như ngày hôm nay, đó là cả một cuộc cách mạng cải cách của địa phương này từ tư duy cho đến hành động.

Lấp lánh “vàng mười”

Những dòng vốn khổng lồ liên tục đổ về nơi đây của hàng loạt ông lớn bất động sản để cải tạo hạ tầng, xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với chất lượng chuyên nghiệp không chỉ khiến ngành du lịch Quảng Ninh lột xác mà còn làm thay đổi diện mạo của tỉnh. Hàng loạt hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp cao của các tập đoàn lớn đã tạo cú hích cho tăng trưởng du lịch, khiến Quảng Ninh liên tiếp thu về “trái ngọt” những năm gần đây.

Năm 2018, Quảng Ninh đón 12,28 triệu lượt du khách, tăng 24% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng 22,1% cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch 24 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Quảng Ninh đang trở thành điểm đến hàng đầu của du khách ở khu vực phía Bắc, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, là “hòn ngọc di sản” đang được mài dũa ngày càng sáng bóng. Dường như bớt phụ thuộc vào “vàng đen” - than, dịch vụ - du lịch “vàng mười” của Quảng Ninh đang tỏa sáng lấp lánh.

{keywords}
 

Trên đà tăng tốc, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 - 16 triệu lượt du khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế vào năm 2020. Đến năm 2030, tổng khách du lịch đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt, góp phần đưa Quảng Ninh có cơ cấu kinh tế dịch vụ đi đầu vào năm 2020. Con số đó hoàn toàn không quá tham vọng, khi các dự án nghìn tỷ vẫn liên tiếp đổ về địa phương này. Và chính những nhà đầu tư lớn với những công trình xứng tầm đã đánh thức giấc mơ đến “ngôi vương” du lịch Việt của Quảng Ninh.

Nhìn lại chặng đường phát triển của du lịch Quảng Ninh,  không thể không nhắc đến sự góp phần của những tập đoàn lớn như Sun Group. Đặc biệt, sự xuất hiện của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã trở thành cột mốc mới cho kinh tế vùng. Sân bay này được đánh giá là phi trường phức hợp hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay, có công suất 2,5 triệu hành khách/năm và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Hiện đang có 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam tổ chức khai thác với tổng số 30 chuyến bay đến và đi mỗi tuần, công suất mỗi chuyến bay đều đạt gần 70%.

Trong thời gian tới, khi hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng 5 sao  tại Quảng Ninh hoàn thiện, địa phương này hoàn toàn có thể sánh vai với những trung tâm du lịch vốn đã giữ ngôi vương từ lâu như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,…

ND