“Là người theo dõi trực tiếp, khi xem xét một số vấn đề, tôi thấy có rất nhiều vấn đề các bộ báo cáo đã hoàn thành, nhưng thực chất mới có văn bản trả lời hoặc có văn bản theo đúng thời hạn nhưng nội dung thì rất nhiều vấn đề doanh nghiệp (DN) vẫn không thông, vẫn tiếp tục kiến nghị”.

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi đối thoại về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đến quản lý chuyên ngành của 3 bộ vào sáng ngày 13/5.

Hiệp hội than chịu phí tiền tỷ, công chứng hồ sơ mất 40 triệu

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, buổi làm việc lần này là một hình thức tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19 với các bộ ngành. Tinh thần là đi từng vấn đề một, có rất nhiều việc các bộ đã làm nhiều lần nhưng vẫn không thông. Nếu kê số cuộc họp, số văn bản thì thấy làm nhiều, nhưng DN, xã hội cần vấn đề tháo gỡ thế nào chứ không chỉ cần văn bản.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia đối thoại với đại điện các DN thủy sản

Mở đầu cuộc đối thoại, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã nêu ra một loạt các vướng mắc và kiến nghị của các DN thủy sản đang phải đối mặt. Với Bộ Y tế, Vasep kiến nghị bỏ toàn bộ các quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) với lý do Luật ATTP không quy định, dẫn theo một số quy định và đang gây khó khăn cho DN khi mất thời gian tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế khi DN nộp và chờ 15 ngày, nhưng cận 15 ngày khi DN lên hỏi thì mới nói là hồ sơ không đạt, làm lại từ đầu, tính lại từ ngày thứ nhất.

Với Bộ TN&MT, Vasep có các kiến nghị về bất cập vướng mắc liên quan đến xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, bùn thải trong nhà máy chế biến thủy sản, phương án bảo vệ môi trường; vị trí, vai trò, trách nhiệm của Sở TN&MT trong hỗ trợ cho DN; giá trị pháp lý của các số liệu quan trắc tự động.

Với Bộ Tài chính, Vasep cho biết có nhiều bất cập trong mức thu phí và lệ phí cho DN chế biến xuất khẩu thủy sản tại các thông tư mới ban hành theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. Hiệp hội này kiến nghị cần rà soát, điều chỉnh các mức phí quy định ở các thông tư cho phù hợp. Bởi, hiện nay các DN phản ánh, chỉ riêng một loại phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu, nếu lấy quy mô sản xuất của năm 2016 thì các DN sẽ phải chi trả thêm từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm cho mỗi DN…

“Theo phản ánh của một số DN là phí công chứng quá cao, một DN làm hợp đồng thế chấp cần phải có công chứng thì bị tính phí là 40 triệu đồng, làm cho chi phí DN tăng cao. Trong khi đó, trước đây phí công chứng tối đa chỉ là 10 triệu đồng cho mỗi hợp đồng công chứng”, đại diện Vasep cho hay.

DN không nên ngại, có vướng mắc thì cứ kiến nghị

Giải đáp những vướng mắc của Vasep, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, kiến nghị thứ nhất của Vasep là đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP thì kiến nghị này hợp lý. Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Bộ tiếp thu ý kiến của Vasep và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật ATTP mà vẫn tiếp thu ý kiến của Vasep.

Còn chuyện công bố và trả lời cho DN trong vòng 15 ngày, đại diện Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện trong vòng 15 ngày mà đến 7, 8 hay 9 ngày mới trả lời là không đủ hồ sơ mà không đủ hồ sơ thì không được nhận ngay từ đầu.

{keywords}
Các DN thủy sản than vì thủ tục, mất tiền tỷ cho các loại phí và lệ phí mỗi năm (ảnh: Minh Dũng)

Khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi về kinh nghiệm quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: “Có cá nhân người Việt Nam mua lại 1 thị trấn và bán cà phê tại đó, họ mất 9 tháng để xin giấy phép bán cà phê. Đưa một mặt hàng vào lưu thông ở các nước phát triển khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tôi thấy thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản, cần 15 ngày để DN nộp công bố chất lượng sản phẩm và được xác nhận hợp quy”.

Tuy nhiên theo ông Khánh, có hai việc có thể học được từ kinh nghiệm các nước phát triển. Thứ nhất, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng về thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa, gồm những hồ sơ nào, hơn nữa hồ sơ rất dễ hiểu, dễ điền thông tin, bảo đảm không nhầm lẫn được. Hơn nữa, có 2 thời hạn, thời hạn thứ nhất là đủ hồ sơ chưa và thời hạn xem xét hồ sơ đã đủ rồi là bao lâu.

Kinh nghiệm thứ hai, ở các nước phát triển thì DN sản xuất không tự đi làm các thủ tục. Ví dụ khai hải quan có rất nhiều công ty khai thuê hồ sơ chuyên nghiệp, khi nộp vào không có chuyện trả lại. Trong lĩnh vực ATTP cũng nên có các công ty đi làm việc đó cho DN, từ đó rút ngắn thời gian, công sức và chi phí.

Tương tự, vướng mắc của Vasep và DN về vấn đề xử lý chất thải rắn, bùn thải… đều được bộ ngành tiếp thu, giải thích cụ thể. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TN&MT cũng cho biết, phải đặt vấn đề lợi ích môi trường lên trên hết, không thể hy sinh môi trường. Theo đó, các DN cũng cố gắng tuân thủ các quy định về môi trường. Còn với những trường hợp cụ thể sẽ xem xét để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Sau khi nghe các Bộ ngành và DN buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá rất cao nỗ lực của các bộ, "các bên ngồi trực tiếp với nhau mới thấy không phải tất cả kiến nghị của DN đều nên chấp thuận hết, vì cơ quan quản lý cũng có lý do. Tuy nhiên, sau khi cơ quan quản lý giải thích thì DN rất hài lòng. Có những vấn đề ý kiến DN là đúng, vì người làm văn bản chưa lường hết được. Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất cầu thị, thậm chí văn bản ra chưa thi hành mà có vấn đề thì vẫn sửa đổi”.

Các cuộc làm việc như thế này thì giải quyết các vấn đề liên ngành hoặc đã xử lý rồi nhưng DN chưa thấy thuyết phục. Ta nên tiếp tục làm, nhưng sau này không nhất thiết phải có Phó Thủ tướng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị VPCP cùng với Bộ KH&ĐT lựa chọn các vấn đề để làm việc, trên tinh thần xây dựng và cởi mở. Thông điệp là DN không nên ngại, nếu có vướng mắc thì cứ mạnh dạn kiến nghị.

Bảo Hân