Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) ngày 30/10 đã ký Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan và giới thiệu Ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn để phối dễ dàng trao đổi thông tin, số liệu, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay, 5 năm qua (2015-2019) du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng đột phá. Về khách quốc tế đã tăng từ 7,9 triệu lượt lên trên 18 triệu lượt, tăng 22,7%; khách nội địa từ 57 triệu lên 85 triệu lượt, tăng trên 10%. Du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 10 tháng năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón được xấp xỉ 3,7 triệu lượt khách quốc tế, hoạt động này đóng băng từ tháng 2 và đón trên 43,5 triệu lượt khách nội địa, giảm 41% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của ngành đạt 233.000 tỷ, giảm 48%.

{keywords}
 Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường bảo vệ quyền lợi cho du khách

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch là nền kinh tế tổng hợp, có quan hệ mật thiết với ngành thương mại và quản lý thị trường vì đối tượng quản lý là khách du lịch, người tiêu dùng. Do vậy, các sản phẩm, dịch vụ du lịch cần đảm bảo chất lượng, giá cả theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tại một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm,… Những sự việc xảy ra dù chỉ là đơn lẻ nhưng có hệ lụy xấu, ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm ở Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nói thêm, thực tế thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu sở hữu trí tuệ gian lận thương mại vẫn diễn ra, đặc biệt ở các trung tâm thành phố lớn, những nơi thu hút khách du lịch  như tại các tuyến phố cổ ở Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị ở TP.HCM,... gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước và hàng hóa Việt Nam trong mắt khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Theo ông Linh, đó là chưa kể là tình trạng gian lận trên các nền tảng du lịch trực tuyến, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.

Trong khi đó, lực lượng Quản lý thị trường với tính chất nhanh chóng, tức thời, khi có phản ánh của người dân, doanh nghiệp về một hành vi gian lận thương mại phải có mặt để xử lý ngay. Ông Linh cho rằng chỉ cần một cửa hàng nâng giá đột ngột, bán sản phẩm không đúng quy định thì việc xử lý vi phạm sẽ trôi qua mất nên việc tạo ra một nền tảng ứng dụng công nghệ số để nắm bắt thông tin là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh hai ngành đã triển khai ứng dụng công nghệ số và thích ứng với điều kiện mới thì việc tăng cường phối hợp giữa hai bên có ý nghĩa nhất định.

 “Việc ra mắt Ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn kết nối với hệ thống thông tin của Tổng cục Quản lý thị trường sẽ cho phép 2 đơn vị dễ dàng trao đổi thông tin, số liệu, phối hợp tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch”, ông Khánh nói.

Ngoài ra, ông Linh đánh giá ứng dụng này kết nối 3 đối tượng: người đi du lịch, nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, cơ sở bán đồ lưu niệm, khách sạn,... ) và cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp thông tin được truyển tải nhanh hơn, những hành vi gian lận thương mại sẽ phản ánh trực tiếp tới lực lượng quản lý thị trường.

Ngọc Hà