Ngày 12/11 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét việc phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cho đến nay, đã có 6 nước phê chuẩn hiệp định này, đủ điều kiện để đưa vào thực thi hiệp định này. Còn Việt Nam, nước ta sẽ phải làm những việc gì để CPTPP được thực thi sớm nhất?

CPTPP đã ở trong tầm tay

Bao giờ Việt Nam sẽ thực thi CPTPP?

Để đưa hiệp định này vào thực thi, thì Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc. Đầu tiên và quan trọng nhất là Quốc hội phê chuẩn HIệp định này (dự kiến ngày 12/11).

Nếu được Quốc hội thông qua thì Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về việc phê chuẩn CPTPP.

Sau đó, Chính phủ cần phải ban hành Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP. Dự kiến việc này sẽ bắt đầu tiến hành ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn, và hoàn thành trong tháng 11/2018.

Tuy nhiên, để đưa Hiệp định vào thực thi thì Chính phủ sẽ cần phải hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật cần thiết. Trong đó, quan trọng nhất là việc thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường như thuế xuất nhập khẩu, mua sắm của Chính phủ và quy tắc xuất xứ.

{keywords}
CPTPP không có sự tham gia của Mỹ vẫn đang được các nước thúc đẩy.

Việc hoàn thiện văn bản pháp luật chính là phần việc tốn nhiều thời gian nhất bởi việc thông qua một Nghị định không phải ngày một ngày hai. Nhanh nhất cũng phải 1-2 tháng, bởi theo quy định của pháp luật thì văn bản cấp Nghị định cũng cần đến 45 ngày mới có hiệu lực.

Một chuyên gia cho hay: Nếu đưa hiệp định thực thi sớm thì Việt Nam được hưởng ưu đãi của các nước sớm hơn. Tuy nhiên, với khối lượng công việc khổng lồ, và lịch trình phê chuẩn CPTPP của Quốc hội như hiện nay, việc đưa hiệp định vào thực thi trước 1/1/2019 của Việt Nam là khá khó khăn. Do đó, thời gian khả thi nhất là vào khoảng quý I/2019.

Lợi ích đi kèm thách thức

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật tháng 10/2018, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% đến năm 2035.

Còn Ngân hàng Thế giới dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

Song, làm thế nào Việt Nam tận dụng được cơ hội này lại là điều cần bàn. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Nhìn từ bài học mới bắt đầu tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi đó chúng ta kỳ vọng rất nhiều từ tác động đổi mới cải cách thể chế. Chúng ta ban hành được khá nhiều luật nhưng quá trình thực thi và động lực cải cách thể chế trong giai đoạn đó không nhiều. Do quá hứng khởi với thành tích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế chúng ta đã lơ là cải cách thể chế.

“Bài học cho thấy, dù có coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực quan trọng cho cải cách thể chế thì quan trọng hơn, Việt Nam phải duy trì được đà cải cách một cách tự thân. Tự thân các cơ quan của Việt Nam phải nhận thức được cải cách là quá trình liên tục, không có điểm dừng và thậm chí ngày một sâu sắc hơn”, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.

{keywords}
Việt Nam nỗ lực đẩy nhanh thực thi CPTPP.

Trong đó, cộng đồng DN phải là chủ thể của quá trình cải cách thể chế ấy, chứ không phải là cách làm một chiều từ cơ quan Nhà nước. “Chính vì vậy, câu chuyện thách thức ở đây là làm sao duy trì được khát vọng và chất lượng của cải cách thể chế trong giai đoạn sau khi chúng ta gia nhập CPTPP”, ông Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nếu chỉ nhìn nhận CPTPP ở vai trò của Chính phủ thì chưa đầy đủ mà cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Bản thân các DN phải chủ động tìm hiểu thông tin một cách thực chất, trọng tâm phù hợp với chiến lược đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. DN cần hài hòa khai thác thị trường truyền thống và thị trường mới. CPTPP vẫn được nói là tiêu chuẩn cao nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. DN Việt Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa song không phụ thuộc vào quy mô mà phụ thuộc vào con đường và bước đi. Các DN lớn có thể tìm hiểu và khai thác trực tiếp ngay CPTTP khi có hiệu lực, còn các DN nhỏ và vừa có thể chọn con đường gián tiếp, lâu dài hơn.

“Chẳng hạn, trước mắt khai thác các hiệp định quy mô nhỏ hơn; trong quá trình ấy dần dần có kinh nghiệm, quan hệ, thương hiệu, đối tác và kinh nghiệm tổ chức sản xuất. Sau một thời gian, DN sẽ lớn mạnh dần và có thể từng bước tham gia CPTPP, bởi đây là cuộc chơi lâu dài”, ông Nguyễn Anh Dương gợi ý.

Trong báo cáo phân tích về CPTPP, Chính phủ thẳng thắn nhận định: Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, do phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

Hà Duy

Cuộc chơi không có Mỹ, Việt Nam vẫn hưởng lợi lớn

Cuộc chơi không có Mỹ, Việt Nam vẫn hưởng lợi lớn

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội báo cáo thuyết minh về Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).