Chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện

Tại hội thảo lần đầu góp ý cho Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện 8), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã điểm lại việc thực hiện Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh.

Nhìn lại cách thức xây dựng quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận xét là “rất cứng” khi quy hoạch cứng về thời gian đưa vào vận hành, vị trí triển khai, thậm chí cả quy mô, chủ đầu tư...

Đến nay, mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ Điện 7 được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai, thực hiện.

{keywords}
Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong nhiều dự án chậm tiến độ.

Nhiều dự án nguồn điện trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh không đạt tiến độ đã hưởng đến việc cung ứng điện cho giai đoạn tới.

“Chúng ta đang phải đối mặt giai đoạn khó khăn sắp tới là từ nay đến 2025, nếu không có giải pháp cấp bách nào khác, sẽ thiếu điện rất trầm trọng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn tới”, ông Hoàng Quốc Vượng cảnh báo.

Trên tinh thần bám sát Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ quan điểm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “trong mọi hoàn cảnh không để thiếu điện”. Theo ông Vượng, quan điểm này càng cần phải được nhấn mạnh trong quy hoạch điện 8 để đảm bảo từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngành điện luôn đi trước một bước.

Ông Vượng cũng đề cập đến quan điểm “hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than”, vốn được đưa nhiều vào quy hoạch điện 7. “Giai đoạn tới không phát triển mạnh điện than mà chỉ phát triển dự án đã được đưa vào quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh. Không đưa dự án mới nữa vào triển khai”, ông Vượng thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch là phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, tham gia ngành điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng), cho rằng: Các dự án nguồn điện ngoài EVN hầu hết chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn tới cân đối cung cầu và an ninh cung cấp điện (giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW trên tổng số 21.650 MW, đạt gần 72%).

Một số dự án tuy đã có trong quy hoạch nhưng khi triển khai thực hiện các địa phương lại không đồng thuận, như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu,... Có tỉnh không đồng tình triển khai nhiệt điện than nhưng lại đề xuất bổ sung nhiệt điện khí, dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện quy hoạch điện.

Miền Nam chủ yếu làm năng lượng tái tạo, điện khí

Tại hội thảo, các chuyên gia của Viện Năng lượng đã trình bày một số thông tin về quy hoạch điện 8 mà Viện này được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ.

So sánh quy mô nguồn điện đến 2030 với quy hoạch điện 7 điều chỉnh, bà Lê Thị Thu Hà, Phòng phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng), cho biết quy hoạch điện 8 sẽ phát triển thêm quy mô lớn nguồn điện gió, điện mặt trời. Công suất điện gió gấp hơn 3 lần và điện mặt trời gấp 2 lần so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý là không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030. Khoảng hơn 17 GW nhiệt điện than nhập khẩu đã phê duyệt trong quy hoạch 7 điều chỉnh sẽ đẩy lùi ra giai đoạn sau 2030 hoặc loại bỏ.

Trong đó, các dự án lùi sau 2030 và sau 2035 khoảng 7,6 GW gồm nhiệt điện Hải Hà, Quảng Ninh III, Quỳnh Lập I và II,...

Các dự án nhiệt điện than nhập khẩu loại bỏ có tổng công suất là 9,5 GW gồm Hải Phòng II, Vũng Áng III, Long An I và II, Tân Phước I, Long Phú III, Long Phú II.

Chuyên gia của Viện Năng lượng cũng đưa ra một số yêu cầu công nghệ đối với nhiệt điện than. Đó là nhiệt điện than cận tới hạn chỉ được xem xét tiếp tục đầu tư cho các nhà máy sử dụng than nội nếu chất lượng than không thể đốt trong các lò cải tiến hơn. Đối với than nhập khẩu, giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên. Giai đoạn 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn trở lên. Sau 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến.

Có nghĩa, quy hoạch điện 8 chỉ chấp nhận những dự án nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, giảm phát thải đến môi trường.

{keywords}
Sự thay đổi cơ cấu nguồn điện tại quy hoạch điện 8 đang được lấy ý kiến góp ý.

Khu vực miền Nam và miền Trung sẽ chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn tua bin khí hỗn hợp (LNG), còn nhiệt điện than nhập khẩu sẽ chủ yếu phát triển ở miền Bắc.

Cơ cấu nguồn mới sẽ bổ sung 3.200 MW tua bin khí hỗn hợp sử dụng LNG tại miền Bắc, 500 MW động cơ ICE (dùng LNG) tại miền Bắc và 900 MW ICE tại miền Nam.

Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã bổ sung khối lượng lớn nguồn tua bin khí hỗn hợp tại miền Nam, tuy nhiên nhu cầu điện miền Nam dự báo thấp hơn nhiều quy hoạch 7 điều chỉnh và miền Nam lại phát triển khối lượng lớn điện gió điện mặt trời. Do đó, các nguồn tua bin khí hỗn hợp tại miền Nam đã được bổ sung quy hoạch điện 7 điều chỉnh sẽ phải giãn bớt tiến độ sang giai đoạn sau, khoảng hơn 7 GW gồm Bạc Liêu 3, 4; Sơn Mỹ I và 3, Cà Ná, Long Sơn, Kiên Giang.

Như vậy, nhìn chung quy hoạch điện 8 ưu tiên những nguồn năng lượng đảm bảo cho môi trường hơn. Song đó cũng là những nguồn điện có giá cao hơn đáng kể thủy điện, nhiệt điện than. Vì vậy, sức ép giá điện giai đoạn tới có thể sẽ là không nhỏ.

Hà Duy

Thay đổi giá điện sinh hoạt, người dân được chọn cách tính lợi nhất

Thay đổi giá điện sinh hoạt, người dân được chọn cách tính lợi nhất

Bộ Công Thương đang nghiên cứu áp dụng song song giá điện sinh hoạt 1 bậc và nhiều bậc. Người dân được tự do lựa chọn sử dụng giá điện loại nào.