Không chỉ giàu mà còn lãng mạn

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, cho biết, thị trường du lịch ngoại ô Hà Nội được khởi nguồn từ những năm 2000 bằng cái tên rất đáng yêu “nhà vườn”; với 4 thủ phủ chính là Sóc Sơn, Lương Sơn - Hòa Bình, Hòa Lạc và Ba Vì. Đây là thị trường của những người chuẩn 'ba giàu', không chỉ giàu tiền, mà còn giàu lãng mạn, giàu thời gian.

Thời đó, mỗi nhà mua vài ngàn đến vài chục ngàn mét vuông, xây nhà rộng, nhiều nhà có bể bơi riêng. Họ thuê người trông nom trồng rau, nuôi gà. Một cuộc sống chuẩn thượng lưu. Cuối tuần, cả nhà lên ô tô phóng ra ngoại ô. Kê chiếc bàn gỗ dưới gốc cây, làm tách trà xanh ngắm khu vườn xanh mướt. Bơi ở bể bơi trong vườn. Buổi tối tổ chức tiệc với mấy món thịt nướng ngoài trời bên ly rượu vang hay lon bia lạnh. Nhiều người coi đó là một điều không thể thiếu vào cuối tuần, nơi thảnh thơi và có khoảng lặng suy nghĩ.

Để chi phí cho một ngôi nhà như vậy, ngoài tiền đầu tư thì việc duy trì cũng khá tốn kém. Với tối thiểu 2 người trông nom và các chi phí đầu tư thêm, bảo trì bảo dưỡng,... thì đây là thú chơi của người thực sự giàu.

{keywords}
Cơn sốt nghỉ dưỡng ven đô

Tới năm 2008, dù ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, phân khúc này không sụt giảm mà còn tăng. Bắt đầu hình thành những cộng đồng lớn hơn, hội tụ thành từng quần thể gọi là “xóm Hà Nội” và hình thành những công ty quản lý để chăm sóc cho những biệt thự đó chuyên nghiệp, cao cấp hơn.

Vào những năm 2010, thay vì cần thuê người ở thường trực và đa phần việc vệ sinh, bảo trì không đủ tiêu chuẩn và làm chủ nhà mất nhiều thời gian, thì các công ty hình thành khiến cho việc sử dụng các biệt thự nhà vườn dễ dàng hơn, chi phí lại giảm hơn nhiều. Sự chuyển hóa thực sự xảy ra vào thời gian từ 2012 đến 2015.

Ông Trung đánh giá, chỉ còn dưới 20% lượng biệt thự được sử dụng như cách nó sinh ra. Các chủ nhà vẫn rất hạnh phúc với căn nhà của mình. 80% còn lại nhiều căn được cải tạo lại và gia nhập thị trường homestay, một số ít được sử dụng, một số gần như không được sử dụng.

Đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Ông Trung cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng khách hàng quan tâm đến nhà đất ven Hà Nội như huyện Ba Vì hay huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn của tỉnh Hòa Bình tăng gần gấp đôi so với trước.

Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, nhà đầu tư cá nhân đổ xô ra các tỉnh vùng ven Hà Nội để săn đất. Trên trang thông tin bất động sản batdongsan.com.vn, từ Hòa Bình có lượng tìm kiếm tăng vọt và top những thị trường có tốc độ tăng trưởng tìm kiếm cao nhất.

Ngày càng nhiều thông tin về ô nhiễm, sự chật chội khiến nhận thức của người dân thay đổi. Đa số người dân nội đô bị thôi thúc tìm kiếm không gian xanh. Trong bối cảnh không thể đi đến các vùng xa để du lịch thường xuyên, thì ngoại ô là giải pháp được nghĩ đến ngay. Vì thế, nhu cầu khách du lịch ngoại ô tăng vọt, khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô cũng tăng theo. Như tỉnh Hòa Bình có tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch 20%/năm và cũng đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư lớn.

Không cần sang nhưng phải độc

Phát triển tự phát và chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ nên các loại hình nghỉ dưỡng ven đô không phải là nguồn thu hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Thậm chí, họ chấp nhận đóng cửa bỏ hoang thay vì vận hành cho thuê kiếm vài đồng bạc lẻ. Khi thị trường đang có dấu hiệu tích cực, các nhà đầu tư tìm kiếm đất để xây dựng cũng cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ những người đi trước để tránh việc rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”.

{keywords}
Độc đáo để thu hút khách

“Tác động trong ngắn hạn sẽ khiến thị trường này sôi động lên. Vấn đề lớn nhất của dưỡng ven đô là nó chưa chính thức được gọi là thị trường vì đang còn là một dung lượng nhỏ trong tổng cơ cấu, khi thị trường có sự trao đổi qua lại trong ngắn hạn sẽ có sự thay đổi lớn, sự cạnh tranh lớn, tác động ngược vào những dự án những sản phẩm mang tính đặc trưng cao”, ông Trung nhận định.

Ông Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Môi giới BĐS, đánh giá, nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng. Do vậy đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới, đầu tư đa dạng tiện ích với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực hút khách mới đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Một khu du lịch muốn hút được nhiều khách cần phải đầu tư đồng bộ hệ sinh thái dịch vụ cũng như tính nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hoá, nhạc hội, công viên sinh thái đa dạng loài động thực vật.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng: “Dự án nào muốn phát triển thành công phải có yếu tố đó để khách đến trải nghiệm và mang về”.

Tương tự, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc kinh doanh một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tư vấn, để phát triển du lịch bền vững thì ngoài xây dựng các tiện ích cho khách cư trú, cần xây dựng các câu chuyện văn hoá.

“Tôi đi nhiều thấy các câu chuyện văn hoá du lịch. Đó là những cái thú vị để du khách ấn tượng đi về nhớ lâu. Đó là những cái đọng lại trong tư tưởng và khi ngồi nói chuyện với bạn bè có thể chia sẻ câu chuyện đó, ngôi nhà đó, trải nghiệm đó. Đó là hình thức quảng bá hiệu quả trong khi Việt Nam đang không chú ý”, ông nói.

Duy Anh

Lên Sóc Sơn, Ba Vì: Bỏ ra dăm tỷ chơi sang lại thu tiền đều tay

Lên Sóc Sơn, Ba Vì: Bỏ ra dăm tỷ chơi sang lại thu tiền đều tay

“Các ngày cuối tuần từ này tới tháng 8 đều hết phòng”, chủ một homestay cho hay. Từ trào lưu du lịch ven đô đã kích cho thị trường homestay đang phát triển mạnh.