Bộ phát hiện sai phạm, chuyển công an 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 bị can là cán bộ nhà máy ô tô VEAM ở Thanh Hóa,  gồm Phó giám đốc Nguyễn Đức Toàn, Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ Nhà máy ô tô VEAM để điều tra về tội tham ô tài sản theo quy định điều 353 Bộ luật hình sự.

Những kết cục này có thể dự đoán được khi ông Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM cùng một loạt cựu lãnh đạo năm ngoái đã bị khởi tố, bắt giam.

Tại kết luận thanh tra công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp - CTCP, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra những vấn đề tại nhà máy ô tô này.

{keywords}
Cán bộ nhà máy ô tô Thanh Hóa đã bị khởi tố.

Theo đó, nhà máy ô tô VM kinh doanh trong giai đoạn 2010 đến 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM là hơn 331 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết: Vụ việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh công ty TNHH Mekong Auto. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của Hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại. VEAM chưa cung cấp kế hoạch tài chính được phê duyệt hàng năm để có cơ sở đánh giá hiệu quả của việc kinh doanh.

Ngoài ra, còn có việc mua 3.000 bộ linh kiện của TCG. Việc mua 3.000 bộ linh kiện này không có trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định.

“Việc trích lập dự phòng tại VM chưa đầy đủ cơ sở pháp lý và xác định rõ ràng giá trị thị trường về thiệt hại, giảm giá (nếu có)”, Bộ Công Thương đánh giá.

Bộ Công Thương đã chuyển những vụ việc trên cho cơ quan điều tra.

Đã được cảnh báo

Ngày 7/5/2019, một ngày trước khi Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra tại VEAM, quyền Tổng giám đốc VEAM Ngô Văn Tuyển (người được cử thay thế ông Trần Ngọc Hà sau khi ông Hà bị mất chức vì nhiều sai phạm) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương chỉ ra các vấn đề "ung nhọt" tại nhà máy ô tô Thanh Hóa dưới thời ông Trần Ngọc Hà làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT VEAM.

Dự án này có vốn đầu tư 599,59 tỷ đồng. Sở dĩ vốn đầu tư ấn định ở mức dưới 600 tỷ đồng là để dự án thuộc danh mục nhóm B, nếu là dự án nhóm A thẩm quyền sẽ thuộc cấp Bộ phê duyệt. Chính vì vậy, một phần tài sản nhà máy Samsung (mua từ Hàn Quốc) đã được chuyển cho công ty DISOCO, Công ty FUTU1 và cho phòng thí nghiệm động lực khu công nghiệp Tiên Sơn của công ty mẹ (hiện nay đều không sử dụng).

{keywords}
Việc hợp tác sản xuất ô tô của nhà máy VM thất bại nặng nề.

Sau đó, dự án được nâng lên gần 700 tỷ đồng. Trong khi đó, công suất thiết kế nhà máy không thay đổi. Dự án được quyết toán với số vốn đầu tư 662 tỷ đồng.

Ngay trong quá trình đầu tư, công ty mẹ đã chuyển một lượng vốn lớn cho dự án. Tính đến hết năm 2013, công ty mẹ đã chuyển vốn lưu động cho VM lên đến 1.214 tỷ đồng (ngoài vốn đầu tư của chủ sở hữu gần 700 tỷ đồng).

Việc chuyển vốn lưu động cho VM không có một nghị quyết nào của hội đồng thành viên. Việc chuyển vốn là do Chủ tịch HĐTV chỉ đạo trực tiếp Tổng giám đốc và kế toán trưởng VEAM (kiêm kế toán trưởng VM) thực hiện. Trong thời gian này, VM lỗ lũy kế gần 345 tỷ đồng.

Cuối năm 2014, Tổng giám đốc VEAM đã trình Hội đồng thành viên phê duyệt chuyển tiếp khoảng 194 tỷ đồng cấp cho VM, nhưng không được các thành viên khác (ngoài Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc) chấp nhận, bởi trước đó việc chuyển vốn đã không thông qua Hội đồng thành viên.

Ngày 9/2/2015, Hội đồng thành viên VEAM có Nghị quyết phê duyệt hỗ trợ vốn lưu động 2015 cho VM tối đa 194 tỷ đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc và yêu cầu phải thu hồi trong năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5/2019 vẫn không thu hồi được.

Tại thời điểm hết năm 2018, tổng số vốn đã đưa vào VM đã lên đến hơn 2.600 tỷ đồng. Nếu trừ đi vốn đầu tư ban đầu cho dự án (662 tỷ) thì tổng vốn đã chuyển cho VM là gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết 2018, VM đã lỗ lũy kết 343 tỷ đồng.

"Trách nhiệm đối với việc cấp vốn cho VM không thông qua Hội đồng thành viên giai đoạn trước 2015 thuộc về Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc", lãnh đạo VEAM báo cáo Bộ.

Đầu tư sản xuất xe ô tô, nhưng báo cáo của Quyền tổng giám đốc VEAM đã phát hiện số xe sản xuất ra từ nhiều năm trước vẫn nằm trong kho, không bán được.

Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỷ đồng. Trong đó có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.

Một trong những lý do là VM chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm. Trong khi các nhà sản xuất khác như Thaco, Thành Công, TMT tiêu thụ với sản lượng lớn hơn nhiều thì sản lượng của VM rất khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp.

"Chính sách phòng chống tham nhũng cũng cần xem xét trường hợp người thân của Tổng giám đốc VEAM, giám đốc VM là đại lý, nhà cung cấp, hoặc nắm giữ các vị trí kinh tế và điều hành quan trọng của VM. Gần đây có một số trang tin điện tử nói về "nhóm lợi ích" ở VEAM, thì Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát cũng cần xem xét có đánh giá cụ thể", quyền Tổng giám đốc VEAM cảnh báo khi đó.

Đến nay, những cảnh báo ấy đã thành sự thật. Nhiều cán bộ của nhà máy ô tô VM dính chàm, bị khởi tố bắt giam.

Lương Bằng

Ông lớn ô tô VEAM: Ế 2.500 xe, ngàn tỷ hao tán từng ngày

Ông lớn ô tô VEAM: Ế 2.500 xe, ngàn tỷ hao tán từng ngày

Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp có nhiều khoản đầu tư thua lỗ, mất vốn. Hàng nghìn chiếc xe ô tô sản xuất ra nằm trong kho, không bán được.