Định giá quá cao nên "ế"

Nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi vào năm 2003, có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên 3.409 tỷ đồng. Chủ đầu tư của nhà máy là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - một đơn vị ngoài ngành giấy. Sau nhiều năm thực hiện đầu tư mà không thể đưa vào sản xuất, kinh doanh, vào tháng 6/2009, chủ đầu tư dự án đã được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty giấy Việt Nam (Vinapaco). Vinapaco sau khi tiếp nhận đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, dự án này liên tiếp gặp phải sự cố và buộc phải dừng hoạt động từ tháng 10/2012 đến nay.

"Đắp chiếu" suốt nhiều năm, Nhà máy bột giấy Phương Nam là dự án được Chính phủ đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Vinapaco đã triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy vào tháng 7/2017 (gia hạn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9/2017) nhưng không thành công.

{keywords}
Nhà máy Bột giấy Phương Nam liên tục bị ế trong các lần bán đấu giá do "hét" giá quá cao. Ảnh: ST.

"Việc triển khai bán đấu giá Nhà máy bột giấy Phương Nam không thành công do việc định giá bán nhà máy chưa phù hợp, vì vậy chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, lý do còn là vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh giảm giá khởi điểm để tiếp tục triển khai bán đấu giá dự án trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành công", Bộ Công Thương đánh giá.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, việc dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam bị "ế", mấu chốt là bởi dù nhà máy đang "đắp chiếu" nhưng lại được "hét" giá cả nghìn tỷ đồng khiến không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn.

Tổ chức bán dự án theo quy định

Về phương án xử lý đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Trên cơ sở báo cáo xin ý kiến của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương thống nhất với các bộ, ngành liên quan xử lý việc bán đấu giá dự án phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, Vinapaco đã hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định".

Bộ Công Thương nhấn mạnh: Hướng xử lý trong thời gian tới đối với dự án này là sau khi Bộ Công Thương phê duyệt kết quả định giá, tập trung xây dựng phương án bán đấu giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm và phương án bán để tổ chức bán dự án theo quy định.

Ông Nguyễn Việt Đức-Tổng giám đốc Vinapaco đánh giá: Nếu dự án này bán được thì quá “tuyệt vời”. Trong trường hợp không bán được, ông Đức đề xuất định giá lại theo quan điểm khác. Chính phủ thành lập Tổ công tác liên bộ để xem xét đánh giá, làm thế nào định giá để có nhà đầu tư quan tâm.

Theo một số chuyên gia, với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, để xử lý dứt điểm thì giá bán phải được thẩm định phù hợp với thị trường, thậm chí là ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Nhà nước phải chấp nhận chịu thiệt để kêu gọi đầu tư. Nhà nước cũng cần xác định số tiền thu hồi khi bán dự án không phải là tất cả. Có thể thấy, cái được lớn nhất khi dự án có nhà đầu tư mua là sẽ xử lý các tồn tại để đi vào hoạt động, không nên vì đầu tư lớn, hiện nay bán giá thấp mà trì hoãn.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được được thực hiện kiểm toán 1 lần và đã được Kiểm toán Nhà nước Khu vực VII Thông báo kết quả tại Văn bản số 332/TB-KTNN ngày 1/12/2014.

Trong đó gồm một số nội dung như sau: Việc chạy thử có tải nhưng dây chuyền đã không thể vận hành ra sản phẩm theo mục tiêu của dự án đã làm cho dự án không hiệu quả (không sản xuất ra được sản phẩm).

Việc dây chuyền chạy thử không thành công nhưng bên phía tập đoàn Andritz AG (theo hợp đồng số 01/2005/TCD-HĐ ngày 25/1/2005 đã ký giữa Công ty Tracodi và Tập đoàn Andritz AG) thì Tập đoàn Andritz AG cung cấp thiết bị toàn bộ, công nghệ và dịch vụ kỹ thuật không phải chịu trách nhiệm bảo hành do thời gian bảo hành đã chấm dứt (thời điểm thanh lý hợp đồng, chấm dứt bảo hành toàn bộ lô hàng vẫn còn nguyên đai nguyên kiện chưa được tiến hành kiểm hóa, giám định và bàn giao chi tiết giữa Công ty và Tập đoàn Andirtz AG). Việc không được bảo hành mặc dù thiết bị chưa được lắp đặt, chạy thử là do việc ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ và việc thi công các gói thầu chính chậm tiến độ.

(Theo Báo Hải quan)