- Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được đầu tư thành trung tâm trung chuyển, logistics của Việt Nam và khu vực. Kéo theo đó, hàng loạt khu công nghiệp (KCN) được đầu tư phát triển nhằm biến khu vực này thành một vùng kinh tế công nghiệp lớn. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động vận tải và xuất khẩu hàng hóa khu vực này gặp khó do tuyến đường vận tải chính 991B từ quốc lộ 51 đến cảng Cái Mép ra tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau chưa được xây dựng. Thực tế này khiến các DN, KCN và cảng xuất khẩu thiếu kết nối: DN bị tắc đầu ra còn tàu vào cảng lại thiếu hàng.

Tàu lớn nhưng thiếu hàng

Tại diễn đàn về phát triển trung tâm logistics, cảng Cái Mép - Thị Vải, ông Vũ Ngọc Thảo,  Giám đốc Sở GT-VT tinh Bà Rịa Vũng Tàu, phản ánh: “Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều tuyến vận tải vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch được duyệt, trong đó có đường 991B là nguyên nhân dẫn đến việc hiệu quả khai thác các cảng container còn thấp”.

Theo ông Phạm Quốc Súy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được thiết kế cho tàu cỡ lớn khoảng 80 nghìn tấn ra vào và hoàn toàn có thể tiếp nhận được những tàu cỡ lớn lên đến 150 nghìn tấn.

Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều tàu trọng tải hơn 100 nghìn tấn của các hãng tàu nổi tiếng trên thế giới, như: CSCL, MOL, NYK/Kline... đã cập cảng Cái Mép - Thị Vải an toàn.

{keywords}

Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được đầu tư thành trung tâm trung chuyển, logistics của Việt Nam và khu vực.

Ông Gu Jing Song, Giám đốc hãng tàu CSCL khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: “Việc tàu CSCL Star 14 nghìn TEUs cập bến tại cảng quốc tế Cái Mép cho thấy cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực”.

Tuy nhiên, trong khi cảng có năng lực, các hãng tàu rất kỳ vọng khai thác thì hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng với các khu chế xuất, KCN của các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn trong vùng như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... lại quá thiếu.

Tuyến vận tải chủ lực Quốc lộ 51 kết nối Vũng Tàu với Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đã quá tải từ nhiều năm nay. Trong khi đó, dự án tuyến vận tải chiến lược 991B vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch, là nguyên nhân khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Khảo sát từ các đơn vị quản lý vận tải cho thấy, cảng Cái Mép - Thị Vải có khả năng tiếp nhận tàu từ 14 đến 15 nghìn TEUs nhưng quốc lộ 51 không đủ khả năng vận chuyển dù chỉ 1/3 số container của một tàu. Thực tế này khiến cho tàu thiếu hàng còn DN lại tắc đầu ra, làm giảm khả năng cạnh của hàng hóa Việt Nam, đánh mất cơ hội phát triển trung tâm trung chuyển khu vực của Cái Mép – Thị Vải. Nếu tình trạng này kéo dài, các nhà đầu tư cảng sẽ nản lòng và rút lui.

Bên cạnh đó, các Khu Công nghiệp và các cảng nội địa khu vực sông Mỏ Nhát, Rạch Ông như: KCN Cái Mép, KCN Phú Mỹ III, Khu công nghiệp Logistis… hiện tại đã được quy hoạch, đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng do không có đường giao thông nên chưa thể triển khai xây dựng được.

Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu dự án đường 991B được triển khai, phát huy vai trò kết nối giữa cảng và các khu công nghiệp chắc chắn sẽ là cú huých mạnh cho sự phát triển mạnh cho cả vùng.

Kết nối hạ tầng để cạnh tranh

Cho đến nay, tuyến đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép chính là nút thắt làm ách tắc vận tải hàng hóa và hạn chế đầu tư vào khu vực này. Chính vì thế, các DN đang mong mỏi tuyến đường dự án đường nối từ Cảng Thị Vải – Cái Mép, đi qua các khu công nghiệp đến QL51 sớm được triển khai xây dựng.

{keywords}

Xây dựng tuyến 991B là hết sức cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Tuyến đường này đã bắt đầu được khởi động. Mới đây, Bộ GT-VT và Bộ KH–ĐT đã có văn bản số 11725/BGTVT-KHĐT việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tại đây, Bộ GTVT đã nhấn mạnh việc sớm đầu tư dự án này là cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản số 588/TTg- KTN ngày 6/4/2016 đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường 991B.

Mới đây nhất, ngày 2/07/2016, trong chuyến khảo sát của mình, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng, nâng cao hiệu quả khai thác của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải, tạo tiền đề cho sự phát triển của các KCN, trung tâm dịch vụ Logistis.

Hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải được xác định là cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa, trung tâm trung chuyển tầm cỡ khu vực, đón đầu cho tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam. Trước những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế trong nước cũng như tốc độ gia tăng giao thương khi những Hiệp định Thương mại tự do được ký kết thì việc đầu tư, hoàn thiện và kết nối hạ tầng là một yêu cầu quan trọng, tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế. Cụ thể, với vùng kinh tế phía Nam, việc triển khai đường 991B nằm khơi thông cửa ngõ xuất khẩu, giao thương hàng hóa, kết nối các tuyến vận tải Việt Nam với quốc tế là đòi hỏi cấp tiết.

Thanh Bình