Giao hàng quá tải

Đăng ký mua đơn hàng rau củ trên sàn thương mại điện tử gần chị Nguyễn Thị Nga (Linh Đàm, Hà Nội) nhận được email thông báo huỷ đơn hàng. Chị liên hệ với sàn thương mại điện tử thì nhận được lời xin lỗi do thiếu shipper giao hàng.

Theo sàn thương mại điện tử này, trước khi có dịch, các đơn hàng thực phẩm tươi như rau củ quả, thịt thường giao ngay trong vòng 2 giờ do đơn vị này sử dụng các lái xe công nghệ như Grab hay Be để giao hàng. Tuy nhiên, từ khi Hà Nội thực hiện chỉ thị 16, nhóm shipper này đồng loạt tắt ứng dụng, khiến cho các đơn hàng như chị Nga ùn ứ lại, không thể giaotrong ngày .

Mặc dù sàn thương mại điện tử có các đối tác giao hàng khác được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong thời điểm dịch nhưng họ đều quá tải. Các đơn hàng thực phẩm tươi sống yêu cầu đảm bảo thời gian giao và bảo quản đều bị từ chối.

Tương tự, hệ thống nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm cũng đang trong tình trạng quá tải đơn hàng online. Đại diện chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch cho hay, doanh nghiệp đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và được cấp phép đội giao hàng. Nhưng so với nhu cầu giao hàng thì vẫn chưa đủ shipper.

“Trước đây, để tiết kiệm chi phí, bên mình toàn sử dụng các đối tác giao hàng như Grab. Duy trì đội giao hàng thì sẽ tốn nhiều chi phí mà không thể phủ kín được cả thị trường. Nếu họ vẫn được hoạt động thì cửa hàng kinh doanh sẽ không bị quá tải, người bán có thêm khách để sống qua mùa dịch, còn người tiêu dùng thì an tâm ở nhà chống dịch”, anh cho hay.

{keywords}
Nhiều đơn hàng thiết yếu không thể giao vì thiếu shipper (Ảnh:Thư Kỳ)

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, nhận xét thời gian qua, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa hoạt động đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, buộc người dân phải đến siêu thị, chợ truyền thống gia tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cao ở khu vực công cộng.

Sau khi các ứng dụng giao hàng công nghệ tại Hà Nội bị yêu cầu dừng hoạt động, các shipper đều đã tắt ứng dụng. Chính vì thế, hoạt động giao hàng hiện nay phụ thuộc nhiều vào các đơn vị được cấp phép.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến 29/7, Sở đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là môtô hai bánh, còn 663 xe chờ duyệt. Sở GTVT Hà Nội xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động cho shipper qua tin nhắn điện thoại. 

Các shipper được cấp phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính của các siêu thị, sàn giao dịch thương mại. Do số lượng lớn các đơn hàng nên lực lượng này tăng công suất nhưng vẫn quá tải.

Thiếu mắt xích quan trọng

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Năm 2020 thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025.

Khi quy mô của thị trường thương mại điện tử tăng 15% đã kéo theo sản lượng bưu phẩm chuyển phát tăng 47%, gấp 3 lần. Quy mô của nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là, thị trường giao hàng trực tuyến sẽ phát triển tương ứng, thậm chí mạnh mẽ hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, "nút thắt cổ chai lớn” trong phát triển thương mại điện tử là khâu giao nhận hàng. Sự phát triển của giao hàng vẫn còn chưa bắt kịp, đặc biệt ở thời điểm dịch bệnh xảy ra đứt gãy vận chuyển khiến cho thương mại điện tử đứng trước nhiều thách thức.

{keywords}
Giao hàng công nghệ ngừng hoạt động tại Hà Nội 

TS Cấn Văn Lực cho rằng, chính quyền không nên cấm, hạn chế hoạt động của shipper mà có thể quy định các điều kiện để việc giao nhận hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội được thông suốt.

"Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng này, coi đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Nếu cấm hoặc hạn chế shipper, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; làm chậm quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa - dịch vụ; tăng chi phí vận chuyển, chi phí sinh hoạt cho người dân và doanh nghiệp. Có shipper cũng sẽ giảm thiểu tình trạng tụ tập, mua bán, trao đổi đông đúc của người dân, khó bảo đảm giãn cách phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu" - TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Với tình huống TP HCM và Hà Nội có thể còn kéo dài việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để đáp ứng nhu cầu người dân một cách đầy đủ nhất, khôi phục chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa và giảm áp lực cho các hệ thống phân phối truyền thống, cho phép các shipper hoạt động dưới sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng là điều thực sự cần thiết.

Theo báo cáo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng hơn 3.000 DN tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), trong đó 1.300 DN đang hoạt động tích cực; 89% DN 100% vốn trong nước, còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù nhu cầu của thị trường về lĩnh vực logistics rất lớn, nhưng thực tế ngành logistics đang thiếu hụt nghiêm trọng về vấn đề nhân lực. Đến năm 2030, ngành logistics cần thêm tới 200.000 lao động trình độ cao mới đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Càng thắt chặt chống dịch, càng cần shipper chạy đều

Càng thắt chặt chống dịch, càng cần shipper chạy đều

Cần tạo điều kiện cho shipper hoạt động. Càng căng, thắt chặt thì càng phải cho shipper hoạt động, nhưng cần quản lý chặt đội ngũ này. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, dân bớt ra đường.