Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê ngày 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thống kê là ngành vất vả, xác lập vai trò quan trọng đối với đất nước.

Bởi, theo Thủ tướng, "nói có sách, mách có chứng”, phải có số liệu thống kê để hoạch định chính sách, đường lối phát triển có cơ sở khoa học, như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị ngành thống kê.

Với vai trò quan trọng đó, nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã 2 lần tới dự hội nghị tổng kết của Tổng cục Thống kê. “Tôi làm Thủ tướng 4 năm mà 2 lần đến Tổng cục Thống kê”, Thủ tướng chia sẻ.

Khẳng định số liệu thống kê là khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nêu rõ, “chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế-xã hội đất nước” và cho biết “hằng tháng, sau ngày 25, tôi đều muốn nghe xem các đồng chí thống kê nói cái gì”.

Đánh giá cao Tổng cục Thống kê khi tiến hành đánh giá lại GDP, Thủ tướng cho biết Tổng cục Thống kê đã làm công phu, trách nhiệm, có cơ sở khoa học.

“Đây là việc đánh giá theo thông lệ quốc tế, không phải đột xuất đánh giá. Thế giới cũng vậy thôi. Đặc biệt đây là những cái ta bỏ sót, để ra ngoài mà chưa thông kê được”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay lần đánh giá lại GDP này chưa tính đến kinh tế ngầm, khu vực kinh tế chưa quan sát được.

Về định hướng năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh ngành thống kê cần làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành.

Thứ hai, ngành thống kê cung cấp đầy đủ thông tin kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng lấy ví dụ về việc thống kê số lợn chết, bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi để có quyết sách bù đắp sản lượng thịt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và không để tăng CPI. Hay qua thống kê tình hình công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế - để có giải pháp chỉ đạo tốt hơn, sát hơn.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo, “chúng tôi muốn ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin, tư liệu tình hình quốc tế, trong nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn công tác chỉ đạo”.

Thủ tướng cũng lưu ý cần thu hút người giỏi vào thống kê, cần có một chương trình thu hút nhân tài cho ngành thống kê Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê tiếp tục tổng hợp, công bố việc điều chỉnh quy mô GDP năm 2018, 2019, 2020 và số liệu GDP các địa phương, xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhắc lại vai trò của số liệu thống kê, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không có hệ thống số liệu chính xác thì định hình chính sách sẽ sai.

“Anh làm một bài toán không trung thực thì anh làm chính sách sẽ sai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong năm 2019, toàn ngành đã thực hiện 30 cuộc điều tra và Tổng điều tra thống kê theo kế hoạch, trong đó có Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn, đổi mới về phương pháp và hình thức điều tra nhằm nâng cao chất lượng số liệu, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian điều tra, và tiết kiệm nguồn lực so với phương pháp điều tra truyền thống bằng phiếu giấy, được điều tra viên sử dụng các thiết bị thông minh.

Kết quả Tổng điều tra được công bố sớm hơn so với kỳ Tổng điều tra trước (kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 11/7/2019, kết quả chính thức được công bố vào ngày 19/12/2019). Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau, đem lại thành công với chi phí thấp.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, trong năm 2019, phương án điều tra doanh nghiệp đã được đổi mới cơ bản như tiếp tục khai thác thông tin hồ sơ hành chính từ ngành Thuế; cài đặt thông tin đánh giá thực trạng về công nghiệp hỗ trợ trong ngành chế biến, chế tạo và bổ sung thông tin về hoạt động dịch vụ logistics; mở rộng điều tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên 59 đơn vị do Tổng cục tổ chức thực hiện; triển khai điều tra sớm một tháng so với năm 2018...

Hà Duy