Chính phủ Việt Nam sẽ phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. “Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, 'kẻ đẩy, người kéo' thì khó phát triển đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Bảo vệ thị trường, không thể mở toang 

Tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới, do Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế tổ chức ngày 20/12, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công Fulbright, cảnh báo: Hội nhập là quan trọng nhưng phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Hội nhập mà ta thành trung gian để DN FDI đến xuất khẩu nhờ thì chưa tốt, mà phải đi đôi với tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh và nâng cao mức sống của người dân. Đó là điều chúng ta đã làm tốt, nhưng có thể làm tốt hơn rất nhiều.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng cảnh báo những tín hiệu mà một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào đầu tư nước ngoài và vào thương mại như Việt Nam phải lưu ý, đó là xu hướng “bình thường mới”, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm đi và chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại.

{keywords}
Khối FDI đóng góp đến 3/4 kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng, nhưng lại không tạo ra được sự lan tỏa về công nghệ (ảnh minh họa)

Theo ông Tự Anh, các nhà kinh tế học “hết sức bối rối” vì lần đầu tiên chứng kiến tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, trong khi trước đó thương mại thường tăng gấp đôi. Đây là một thông điệp quan trọng mà Việt Nam không thể bỏ qua, một cảnh báo mà đất nước phụ thuộc lớn vào thương mại như Việt Nam phải nhìn thấy để vừa hội nhập vừa chăm lo cho thị trường trong nước.

“Phải bảo vệ thị trường trong nước, chứ không thể mở toang thế này được. Nếu vậy, ta vẫn hăm hở xuất khẩu và để thị trường trong nước cho DN FDI thao túng”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Nhận định về những đóng góp của DN FDI, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Chúng ta đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan - “thiếu FDI thì rất tệ mà có thì không phải không có vấn đề”, khi khối FDI đóng góp đến 3/4 kim ngạch xuất khẩu và đóng góp lớn vào tăng trưởng, nhưng lại không tạo ra được sự lan tỏa về công nghệ và đang bỏ xa khối DN nội vẫn đang yếu ớt, manh mún.

Chung quan điểm này, ông Vũ Thành Tự Anh đánh giá: “Đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng đầu tư nước ngoài đóng góp cho Việt Nam như thế nào lại quan trọng hơn. Ngoại lực chỉ giúp chúng ta đi được một quãng đường, cuối cùng vẫn phải dựa vào nội lực mới có thể bền vững, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên” - ông nhấn mạnh.

“Việt Nam tự cường là mục tiêu của chúng tôi”

Chia sẻ với ý kiến của các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có cái nhìn toàn cục về đầu tư nước ngoài, không được phê phán một chiều, vì nếu không có đầu tư nước ngoài thì nền kinh tế chưa đạt được trình độ quản lý, công nghệ, sản phẩm... như hiện nay.

{keywords}
“Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý (ảnh web Chính phủ).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải nhìn nhận bất cập, tồn tại, thẳng thắn thấy rằng chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mà nếu làm tốt hơn sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc nhiều hơn.

“Cạnh tranh của chúng ta chưa bắt kịp với hội nhập, cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ sản phẩm. DN FDI thì phát triển tốt, đáng mừng, nhưng tư bản trong nước và tư bản nước ngoài nước kết hợp với nhau để có một nền kinh tế thống nhất. Chúng ta có nhiều tiến bộ về môi trường kinh doanh, nhưng mới ở nhóm ASEAN 4 thôi, trong khi chúng ta muốn đứng đầu nhóm này và hướng tới OECD. Mặc dù đã cố gắng lắm, nhưng sự trì trệ còn níu kéo chúng ta” - Thủ tướng thẳng thắn.

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn.

“Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước”, Thủ tướng lưu ý.

Do đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ.

“Tất cả những điểm yếu cần phải tập trung khắc phục. Tiến trình hội nhập nói chung và việc hội nhập kinh tế cần có quyết tâm chính trị cao với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không có quyết tâm cao, hành động cụ thể mà làm nửa vời thì chúng ta thất bại”, Thủ tướng nêu rõ.

Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.

“Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển”, Thủ tướng nói, “Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hội nhập đã có tác động tích cực đến nhiều mặt như thể chế kinh tế; tăng trưởng thương mại, dịch vụ; thu hút FDI.

Về mặt thể chế, từ việc cải thiện một cách thụ động để đáp ứng yêu cầu hội nhập vào những năm 2007, đến nay, Việt Nam đã đi trước một bước nhằm thúc đẩy cải cách thể chế. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc trong năm 2017, lên thứ 68/190 nền kinh tế được xếp hạng.

Về thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2007-2017, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 16,6%/năm, nhưng vẫn được xem là tích cực trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2017 gấp 4 lần năm 2007. Việt Nam cũng thu hút khoảng 18.000 dự án, với số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, bằng 3,8 lần giai đoạn trước WTO...

Lương Bằng