Theo nghiên cứu Toàn cảnh ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam năm 2018 của Vietnam Report, ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên; Đồng thời đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). 

Chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Bia, đồ uống không cồn và thực phẩm là 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Trong khi đó theo dự báo của BMI - một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu có trụ sở tại London, Anh - ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam có thể đứng ở vị trí thứ ba châu Á.

{keywords}
Thúc đẩy thị trường tỷ đô

Không chỉ là thị trường tiêu thụ, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm - đồ uống và hiện đã có những doanh nghiệp tương đối mạnh, có tên tuổi, có sức cạnh tranh, thường xuyên dẫn đầu tại thị trường trong nước, đủ cơ sở để xuất khẩu ra nước ngoài.

Với thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến lương thực - thực phẩm, nông sản nước ta cũng đạt mức hơn 40 tỷ USD trong năm 2018. Hàng Việt đã xây dựng thương hiệu và vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh 28 nước châu Âu…

Hiện sản phẩm thương hiệu Việt đã có mặt tại 200 quốc gia trên thế giới, có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có sản phẩm thực phẩm chế biến của thủy hải sản, nông sản.

Các doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), cho đây là cơ hội lớn để thương hiệu Việt xuất hiện tại nhiều quốc gia hơn trên thế giới. Thủy sản, cà phê, bánh kẹo được dự đoán sẽ là 3 ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn trong thời gian tới.

Theo Vietfood & Beverage – Propack, Việt Nam còn là nước có truyền thống về nông nghiệp, đủ điều kiện để cung ứng các nguồn nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm - đồ uống. Chính vì vậy, trong các cuộc triển lãm quốc tế về thực phẩm – đồ uống thường niên tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tham gia, tìm hiểu cũng như tìm đối tác phân phối.

Các sản phẩm Việt đặc trưng như nông sản/nông sản sấy, các sản phẩm quế hồi, hạt chia/hạt diêm mạch/ hạt điều, mật ong, tỏi đen, tinh bột nghệ, thủy hải sản, tổ yến/yến sào… và đồ uống: cà phê, sữa, chè thành phẩm…

Vượt qua rào cản

Mặc dù ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam rất tiềm năng nhưng các thương hiệu Việt trên sân nhà lại rất yếu. Theo đánh giá của đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm cần thiết đối với việc đầu tư vào những thiết bị công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm.

Trong thời gian qua, việc mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống rất sôi động. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tên tuổi lớn trong ngành FMCG đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ đã không bỏ qua cơ hội khi liên tục đầu tư vào Việt Nam.

{keywords}
Thị trường đầy tiềm năng

Tiềm năng và sự phát triển của ngành hàng thực phẩm cùng với sự phát triển công nghệ đã hình thành những xu thế tiêu dùng mới. Trong đó, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện với môi trường, và chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hằng ngày. Có khoảng 86% người tiêu dùng Hà Nội và TP.HCM đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Để biến cơ hội thành lợi thế cho tăng trưởng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh, chuyên gia nghiên cứu, cho rằng cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống là phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất.

“Mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần cố gắng tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam”, ông Nguyễn Trung Anh chia sẻ.

Còn theo Vietnam Report, trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển hình ảnh và ghi tên trên bản đồ thực phẩm và đồ uống thế giới.

Nam Hải