Trong buổi họp báo về ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) diễn ra ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã nêu lên những khó khăn về sự phát triển AI tại Việt Nam. Trong đó đề cập vấn đề Việt Nam chưa đủ nguồn lực để phát triển công nghệ mới như AI, mà phải đòi hỏi hỗ trợ từ các các cá nhân, doanh nghiệp, hoặc các đơn vị nghiên cứu về AI.

Theo ông, trong bối cảnh đó, ngày hội về trí tuệ nhân tạo sẽ kỳ vọng mở ra một động lực mang tính đột phá, có thể kết nối các cả cộng đồng lại với nhau, tạo lên một sự phát triển mang tính cộng hưởng, khi đó Việt Nam mới có thể làm chủ công nghệ AI và các sản phẩm làm ra từ chính công nghệ AI.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, không chỉ có AI mà trong các xu thế phát triển rất mạnh của công nghệ dữ liệu lớn, Internet vạn vật, mạng xã hội, tạo ra nhiều các ứng dụng trong cuộc sống, đang ngày càng thay đổi trong cuộc sống. Ông Duy nhấn mạnh đến xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), tuy vẫn có nhiều tranh cãi, nhưng hiện xu thế này đang diễn ra rất nhanh, nên Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế đó.

Tại họp báo, ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, AI đang diễn ra âm thầm hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày. Với sự phát triển dịch vụ số, người dùng thực chất đang tiếp xúc với AI nhưng không nhận ra.

{keywords}
Họp báo thông tin về Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Na  (Ảnh: VGP)

Ông lấy dẫn chứng, cách đây 5 năm, người dùng sử dụng Email luôn nhận được rất nhiều thư rác (spam mail), gây ra nhiều phiền toái. Tuy nhiên, do sự hỗ trợ từ thuật toán AI, nhiều nhà cung cấp dịch vụ Email đã sử dụng công nghệ này giải quyết gần như triệt để, đơn cử như dịch vụ Gmail.

Ông Tùng nhận định, sắp tới AI có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc đào tạo lái xe ôtô trong việc kiểm soát thời gian học viên có đủ giờ lái theo đúng quy định rồi mới được phép cấp giấy phép lái xe. Không những thế, việc Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các xe có đang ký kinh doanh phải lắp hệ thống camera hành trình. Theo đó, dữ liệu hành trình của các xe này sẽ đổ về hệ thống, từ đó chúng ta sẽ có một dữ liệu rất lớn và quý giá về vận tốc, thời gian, hay các bản đồ giao thông. Bởi đây là dữ liệu cung cấp cho hệ thống giao thông thông minh.

Còn theo ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT, hiện tại, lĩnh vực giáo dục có những hệ thống ứng dụng AI để đồng hành, hỗ trợ từng học viên. Nhờ đó, công việc của các giáo viên trở nên dễ  thở hơn, khi trong mỗi lớp có tới 50, 60 học viên.

Ông Việt lấy một ví dụ, với tình trạng giao thông hiện nay của Việt Nam, không ai có thể ngồi quan sát với lượng lớn lên đến hàng trăm camera và tính toán lưu lượng trên đó. Tuy nhiên, những hệ thống của FPT đang triển khai tại thành phố này, đã sử dụng trí tuệ nhân tạo mới có thể quan sát đầy đủ, đưa ra cảnh báo và điều chỉnh cho hệ thống đèn giao thông.

 Với tiềm năng đó, sự kiện Ngày hội AI4VN được kỳ vọng là dấu mốc giúp hình thành cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, AI4VN sẽ tạo động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI.

Nhật Linh