Đầu tư khoảng 70-100 triệu đồng/ha, lãi thuần 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, trồng chanh leo đang trở thành mô hình nông nghiệp siêu lợi nhuận ở Tây Nguyên, Nghệ An.

Là một trong những hộ đầu tiên trồng chanh leo ở xã Kdang, huyện Đak Đoa, Đak Lak, ông Trần Văn Lộng đã quyết định bán bán 6 sào đất và vay mượn thêm để hạ giống trên 3 ha cây chanh leo trong mùa đầu tiên vào năm 2011.

Sau 6 tháng tích cực chăm sóc đúng kĩ thuật, gia đình ông thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 10 tấn quả. Giá bán tại vườn thời điểm đó từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trừ chi phí gia đình ông cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng. Sau 1 tháng, vườn chanh lại cho thu hoạch lứa tiếp theo. Tính cả năm, gia đình ông đã thu hoạch hơn 400 tấn chanh leo, bỏ túi cả tỷ đồng năm đó và ông Lộng cũng được bà con tặng cho biệt danh ‘ông vua’ chanh leo.

Ông Lộng chăm sóc vườn chanh

Mô hình trồng cây chanh leo của gia đình ông Lộng đã được dân làng và người dân ở các xã lân cận học tập áp dụng và phát triển rộng khắp.

Theo các chuyên gia, mỗi ha chanh leo đầu tư khoảng 100 triệu đồng, năng suất đạt từ 80 tấn đến 100 tấn mỗi năm. Cây chanh leo là loại cây dễ trồng, công chăm sóc lại ít chỉ cần tỉa cành, lá để quả nhận được ánh nắng mặt trời và tránh sâu bệnh. Sau khi cây đã leo lên giàn thì cỏ bên dưới không thể mọc được, chỉ việc phun thuốc trừ sâu và thuê công thu hoạch. Giống này nếu chăm sóc tốt cho năng suất bình quân 70 - 100 tấn/ha/năm, nếu giá thị trường ở mức 15.000 - 17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500 - 700 triệu đ/ha/năm, chu kỳ canh tác hiệu quả nhất không quá 2 năm.

Từ 2011 đến nay, cây chanh leo đã chứng minh năng suất và hiệu quả hơn hẳn cà phê và hồ tiêu và trở thành loại cây làm giàu của rất nhiều bà con tại Lâm Đồng nói chung các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông nói riêng.

Mới đây, loại cây trồng này cũng giúp bà con nông dân Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An) thu hàng trăm triệu đồng khi chuyển đổi trồng chanh leo trên đất trồng keo.

Tại Quế Phong, mô hình trồng chanh leo thử nghiệm từ 2011 với 2ha đã cho thu hoạch trên 50 tấn quả và doanh thu trên 400 triệu đồng. Từ đó, mô hình trồng chanh leo đã được nhân rộng trên những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, giúp đồng bào thoát nghèo. Từ Quế Phong, mô hình này đã lan sang các huyện Tam Hợp, Tương Dương và đang tiếp tục được nhân rộng.

Chị Hồ Thị Thủy xóm Tân Thành, Tam Hợp mạnh dạn chuyển đổi cây chanh leo thay thế cho cây keo trên diện tích đất đồi của gia đình. Đầu tư 100 triệu cho gần 1ha chanh leo từ tháng 2/2016, đến tháng 4/2017, cây chanh leo của gia đình chị Thủy đã bắt đầu cho thu quả. Mới trồng vụ đầu tiên nhưng gia đình đã thu được 15 tấn quả, bán tại vườn 15 ngàn/kg, tính ra được hơn 200 triệu đồng. Dự kiến vườn chanh leo của gia đình chị còn cho thu hoạch khoảng 15 tấn quả nữa.

Chị Hồ Thị Thủy xóm Tân Thành, Tam Hợp Qùy Hợp, Nghệ An trồng chanh leo trên đất trồng keo

Theo đánh giá của một trưởng bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tương Dương, Nghệ An: Cây chanh leo bước đầu cho thu nhập tốt nên người dân rất phân khởi. Có vườn chanh, người dân không phải đi rừng săn bắn nữa.

D.Minh - Phạm Việt