Khả năng kiếm tiền từ người dùng mạng không còn bó hẹp ở những lĩnh vực truyền thống như trò chơi trực tuyến hay thương mại điện tử, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như thanh toán di động, mạng xã hội, video, du lịch,... Nhờ đó, các công ty “Internet” đang lên ngôi với định giá rất cao dù tuổi đời rất trẻ.

Đại gia kiếm tiền từ Internet

Theo báo cáo của Google - Temasek công bố tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã xuất hiện một “kỳ lân” sánh vai cùng 8 công ty Internet được định giá trên 1 tỷ USD khác trong khu vực Đông Nam Á, đó là tập đoàn VNG. Những tên tuổi khác là Bukalapak, Lazada, Go-Jek, Razer, Grab, SEA, Tokopedia, Traveloka. Vốn tiếp tục chảy mạnh vào 9 “đại gia” Internet này với 6,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, gấp đôi so với cùng kỳ.

{keywords}
Ông chủ Lê Hồng Minh và cộng sự xây dựng đế chế tỷ USD từ trò chơi trực tuyến “Võ lâm Truyền kỳ”

Từ một công ty phát hành trò chơi trực tuyến năm nào, nổi danh với huyền thoại “Võ lâm Truyền Kỳ”, nay trở thành đại gia của làng Internet Việt Nam, ông Lê Hồng Minh, chủ tịch VNG, đưa ra định hướng phát triển theo nhiều hướng khác, cho dù mảng phát hành game vẫn ăn nên làm ra.

Theo đó, 4 mảng trọng tâm mà VNG hướng đến là nội dung số, mạng xã hội Zalo và dịch vụ đám mây. VNG đang tuyển “quân” công nghệ rất rầm rộ. Điển hình năm 2018 là ông Vũ Minh Trí, trước đó là Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, gia nhập VNG để phụ trách mảng dịch vụ đám mây; còn ông Đặng Việt Dũng, trước đó là Tổng giám đốc Uber Việt Nam, nay phụ trách lĩnh vực thanh toán.

Làn sóng các công ty cung cấp game năm ấy, ngoài VNG vẫn còn nhiều tên tuổi sót lại. Điển hình như FPT Online vừa mới niêm yết trên sàn UPCoM vào cuối năm ngoái, với giá trị vốn hóa khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, tương ứng khoảng gần 70 triệu USD với hoạt động chính là cung cấp nội dung số, hoạt động quảng cáo trên nền tảng Internet.

Sau trò chơi trực tuyến, Việt Nam bắt đầu manh nha phát triển thương mại điện tử. Có nhiều tên tuổi nhưng nổi bật trong số đó mà còn “sót” lại đến ngày nay là Tiki.

{keywords}
Việt Nam góp mặt một “kỳ lân” trong Đông Nam Á cho thấy tiềm năng thị trường còn lớn và cơ hội còn rộng mở cho các “anh tài”.

Thành lập từ năm 2010, ông chủ Trần Ngọc Thái Sơn của Tiki ban đầu chỉ bán sách online, nhưng rồi bắt đầu bán thêm nhiều thứ khác. Tiki chọn lọc hàng rồi bán cho người mua (theo mô hình B2C) chứ không chỉ cung cấp sàn trung gian giữa người bán và người mua, kiểu như Lazada hoặc Shopee (theo mô hình C2C).

Cho đến nay, Tiki vẫn chưa có lãi, thậm chí lỗ cả trăm tỉ đồng nhưng vẫn gọi được vốn để mở rộng kinh doanh. Gần đây nhất là thương vụ được đánh giá là đầu tư chiến lược của JD.Com (hãng thương mại điện tử thứ 2 ở Trung Quốc, sau Alibaba) với giá trị đồn đoán khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thương mại điện tử vài năm gần đây trở thành “thương trường đẫm máu”, nhiều thương vụ đầu tư nội - ngoại đổi chủ diễn ra, tiền được “đốt” liên tục. Năm ngoái, Sendo (thuộc FPT) cũng nhận thêm 50 triệu USD từ Softbank (Nhật Bản). Một đối thủ khác trẻ tuổi hơn nhưng không kém tiềm lực là Adayroi cũng cần được nhắc đến.

Từ trắng tay đến sở hữu nền tảng online triệu USD còn có Đặng Hoàng Minh, ông chủ của Foody, hệ sinh thái gọi món trực tuyến nhận được sự góp sức từ nhiều quỹ đầu tư. Đến nay, thị trường gọi món - giao nhận thức ăn đã thực sự bùng nổ khi người tiêu dùng bắt đầu “lười” ra ngoài mua đồ, cộng với các ông lớn gia nhập như Grab hay Go-Jek.

{keywords}
Từ ý tưởng đầu tiên bán sách đến giao hàng “tạp hóa” chỉ trong 2 giờ là nỗ lực rất lớn của ông chủ Tiki.

Bên cạnh các ngành truyền thống, trong năm qua có một đại gia khác xuất hiện ở một lĩnh vực gây nhiều bất ngờ, đó là thị trường giải trí trực tuyến với cú “đột phá” của Yeah1.

Nhìn chung, đặc điểm chung của những công ty Internet - những công ty kiếm tiền từ những người sử dụng Internet - là được định giá rất cao, trong khi tuổi đời lại còn rất trẻ. Từ thuở sơ khai là trò chơi trực tuyến hay thương mại điện tử, nội dung số trên Internet ngày nay đa dạng hơn rất nhiều, như thanh toán di động, video, livestrem, thực phẩm, hay quảng cáo, du lịch, nhạc và phim bản quyền,...

Ông chủ của Yeah1, Nguyễn Nhượng Ảnh Tống “lên mây” khi bước ra ngoài ánh sáng với thương vụ niêm yết đình đám, từ công ty có vốn điều lệ 238 tỷ đồng thành công ty có vốn hóa 300 triệu USD, tương ứng với khoảng gần 6.900 tỷ đồng.

Thành lập từ năm 2006, nhưng ngành nghề lạ lẫm cùng mức giá niêm yết 250.000 đồng/cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi nghi ngại, đặc biệt là khi tỷ suất lợi nhuận của công ty này thua xa các công ty “truyền thống” như Vinamilk, Sabeco.

Các tranh cãi vẫn còn tiếp diễn sau này vì những hoạt động tài chính khác. Sau khi niêm yết, cổ đông Yeah1 bắt đầu “sang tay” cổ phiếu qua lại, rồi công ty bắt đầu tăng cường hoạt động mua bán, thâu tóm và sáp nhập các công ty cùng ngành trên thị trường quốc tế.

{keywords}
Đặng Hoàng Minh được xem là người tiên phong cho thị trường “review” và gọi món trực tuyến sau nhiều lần thất bại 

Ông Nhượng Tống cũng từng nhiều lần công bố rằng, việc so sánh giá cổ phiếu của Yeah1 với các ngành khác là không hợp lý. Ít nhất, ông chủ của Yeah1 nói có phần đúng, đó là thị trường ngày nay đã toàn cầu hóa. Các công ty Internet Việt Nam đối mặt với các “kỳ lân” nước ngoài chứ không phải là đối thủ trong nước.

Điển hình, có thể kể đến ông lớn Lazada, Shopee trong lĩnh vực thương mại điện tử, Grab, Go-Jek trong lĩnh vực đặt xe - giao nhận. Mới đây còn có Tik-tok chính thức gia nhập thị trường Việt, đây là ứng dụng mạng xã hội cho phép người dùng tải lên những đoạn video ngắn tự quay. Bytedance, đơn vị sở hữu Tik-tok, được đánh giá là startup có giá trị cao nhất hiện nay trên toàn thế giới với định giá khoảng 75 tỷ USD.

Nền kinh tế Internet

Không chỉ có VNG mà ở Việt Nam, khá nhiều công ty cũng có nội dung số đạt quy mô lớn với hàng nghìn lao động, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, chẳng hạn như VCCorp. Những công ty này đang âm thầm vẽ nên ngành công nghiệp mới ở Việt Nam, dựa trên nền Internet, từ mức chỉ đạt 3.000-4.000 tỷ đồng cách đây 10 năm, đến nay đã có doanh số chục ngàn tỷ đồng.

{keywords}
Yeah1 của ông chủ Nguyễn Nhượng Ảnh Tống đi lên từ thị trường giải trí

Thống kê của Google - Temasek cho biết tại Việt Nam, ước quy mô thị trường truyền thông trực tuyến (online media) đạt khoảng 2,2 tỷ USD, du lịch trực tuyến 3,5 tỷ USD. Đáng ngạc nhiên hơn, tỷ lệ giá trị GMV trên GDP của Việt Nam lên đến 4%, cao hơn nhiều so với nhiều nước khác trong khu vực. Đây là tỷ lệ tổng giá trị doanh thu hàng hóa bán trên nền tảng online.

Nền kinh tế Internet ở Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, bởi Việt Nam có dân số vừa đông lại vừa trẻ, với 95 triệu người và 60% trong số đó dưới 35 tuổi và có thu nhập bình quân đang tăng trưởng nhanh.

Bên cạnh đó, tốc độ Internet ngày càng cải thiện và phổ cập, điện thoại thông minh cũng phủ sóng gặp nơi, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận đến một dịch vụ số và ngược lại, các nhà cung cấp dễ dàng tiếp cận đến thị trường đông dân và sử dụng Internet hàng ngày.

{keywords}
Nền kinh tế dựa trên Internet ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian qua, hiện dẫn đầu khu vực Đông Nam Á
{keywords}
Ngoài những cái tên quen thuộc, danh sách những công ty Internet lớn nhất thế giới (theo Statista vào tháng 5/2018) còn xuất hiện những lĩnh vực mới như cho vay tiêu dùng, xem phim trực tuyến, đặt phòng trực tuyến, đi chung xe,...

Trong khi đó, một thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ trọng doanh thu của công nghiệp nội dung số trong toàn ngành công nghệ thông tin chưa đạt 10%, nhưng sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Ước từ 5-10 năm tiếp theo, ngành nội dung số phát triển chỉ sau du lịch, vượt qua dệt may, xăng dầu,... về giá trị kinh tế và chiếm khoảng 1 triệu lao động.

Tuy nhiên, tốc độ dịch vụ Internet phát triển quá nhanh cũng mang đến những mặt trái của nó. Điển hình như những cuộc tranh cãi giữa hình thức kinh doanh cũ và mới, như vụ kiện giữa Vinasun và Grab.

Ở khía cạnh khác, chính sách cũng chưa được điều chỉnh theo kịp khiến nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại. Kinh doanh trên nền tảng Internet ngày nay đã không còn biên giới, khiến các cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, chẳng hạn như việc truy thu thuế với người bán hàng online, hay người có thu nhập tới 41 tỷ đồng từ Facebook, Google trong thời gian qua. 

Công ty Internet luôn “đói” vốn

Tăng trưởng dựa trên số lượng người dùng là lý do vì sao các công ty Internet đều phải “đốt tiền”, thậm chí là lỗ để lấy lượng truy cập, lượng sử dụng từ khách hàng. Vì vậy,  các công ty này lúc nào cũng khát vốn.

Mặc dù nhận được đầu tư khá nhiều nhưng giữa năm 2017, VNG ký biên bản ghi nhớ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm. Tiki cũng đứng trước ngã rẽ sẽ IPO trên sàn chứng khoán, hay chịu thâu tóm từ các đại gia nước ngoài.

Thống kê của Google - Temasek cho thấy dòng vốn chảy vào các công ty internet ngày càng nhiều hơn.

Theo đó, các công ty chưa phải là “kỳ lân”trong nửa đầu năm 2018 đã huy động được 2,6 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 0,7 tỷ USD cùng kỳ. Các công ty có trị giá từ 10-100 triệu USD, thì huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm ngoái.

Có khoảng hơn 2.000 công ty Internet nhận được 7 tỷ USD trong 3 năm qua.

Tính riêng trong cộng đồng ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp nội dung số ước đạt 150 tỷ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỷ USD và lên tới 55-65 tỷ USD cho các dịch vụ nội dung số.

Dũng Nguyễn