Nhọc nhằn mưu sinh

Cuối năm 2018, cô giá trẻ người Việt bị phát hiện mang thai sau khi đến Nhật bằng visa “thực tập sinh”. Cô buộc phải lựa chọn phá thai hoặc về nước. Nếu về nước cô sẽ không đủ tiền để trả khoản vay 10.000 USD để chạy sang Nhật.

 Câu chuyện được Shiro Sasaki, tổng thư ký của Liên minh Công nhân Zentoitsu (All United), người đứng ra hỗ trợ cô gái Việt chia sẻ trên Reuters. Theo Shiro Sasaki, lao động nữ người Việt đối mặt với nhiều rủi ro. Với hy vọng có được mức lương cao hơn, họ đã phải chịu gánh nặng từ các khoản vay để được đổi đời ở xứ mặt trời mọc.

Hiện, lao động Việt Nam có số lượng phát triển nhanh nhất tại Nhật, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chương trình mới khởi động vào tháng 4, nhằm thu hút thêm nhiều công nhân tay nghề cao đến Nhật Bản.

{keywords}
Nhọc nhằn mưu sinh (Ảnh minh hoạ)

Futaba Ishizuka, một nghiên cứu sinh tại Viện Kinh tế Phát triển cho biết, số lượng lao động Trung Quốc đã giảm, trong khi đó người Việt ngày càng tăng do thiếu việc làm, nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học ở Việt Nam chấp nhận sang Nhật theo đường xuất khẩu lao động.

Chương trình thực tập sinh kỹ thuật như một cánh cửa cho lao động tay nghề cao ở Nhật Bản. Tuy nhiên, họ bị lạm dụng như tiền lương thấp, quỵt lương, làm việc quá giờ, bạo lực và quấy rối tình dục. Để sang được Nhật, nhiều lao động phải trả rất nhiều khoản chi phí cho các đơn vị môi giới.

Chương trình tu nghiệp sinh bắt đầu vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho công nhân từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chương trình này đã bị nhiều người lạm dụng.

Đáng chú ý là vụ việc 4 công ty sử dụng tu nghiệp sinh cho khử nhiễm trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3-2011.

Hai công ty khác cũng bị cáo buộc không trả lương thỏa đáng, đã bị cấm sử dụng tu nghiệp sinh trong 5 năm. Những công ty còn lại cũng đã nhận được cảnh cáo từ Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Cơ hội nào ở xứ người

Một cuộc khảo sát của Bộ lao động được công bố vào tháng 6 cho thấy hơn 70% công ty sử dụng lao động đã vi phạm các quy tắc lao động, chủ yếu liên quan đến làm việc quá giờ và an toàn lao động.

Tổ chức đào tạo thực tập kỹ thuật (OTIT) đã cảnh báo cho các nhà tuyển dụng rằng các tu nghiệp sinh được bảo vệ bởi luật lao động Nhật Bản, đặc biệt cấm đối xử không công bằng đối với người lao động mang thai.

Các điều kiện khắc nghiệt đã khiến hơn 7.000 tu nghiệp sinh bỏ việc trong năm 2017. Nhiều người bị dụ dỗ bởi các nhà môi giới hứa công việc lương cao, gần một nửa trong số này đến từ Việt Nam.

{keywords}
Lao động Việt Nam ở Nhật tăng mạnh

Do các tu nghiệp sinh không được phép đổi công ty, bỏ việc thường có nghĩa là mất thị thực hợp pháp. Quá lo lắng khi không còn cơ hội ở lại Nhật, nhiều người đã tìm tới chợ đen lao động và rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp.

ông Shigeru Yamashita, Giám đốc điều hành Hiệp hội tương trợ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thực tế bên Nhật khác hẳn so với những người người lao động tưởng tượng ở quê nhà. Để đi được sang Nhật họ phải vay nợ, nhưng khi sang đây họ không thể làm đủ lương để trả nợ. Mất việc chẳng còn cách nào khách họ tìm tới các chợ đen lao động bất hợp pháp.

Theo chính sách mới, sẽ có hơn 300 ngàn người nước ngoài được vào Nhật làm việc trong các lĩnh vực thiếu nhân công. Luật mới quy định hai loại visa mới. Nhân công trong loại visa thứ nhất sẽ được phép vào Nhật trong năm năm nếu đạt trình độ tay nghề nhất định và có thể dùng lưu loát tiếng Nhật. Nhóm này không được phép mang gia đình theo.

Các nhân công có tay nghề cao hơn sẽ được cấp visa nhóm hai, được quyền mang gia đình theo, và sau này sẽ được phép nộp đơn xin thẻ vĩnh trú.

Hiện Nhật có khoảng 1,28 triệu nhân công lao động nước ngoài. Có khoảng 260 ngàn người là các tu nghiệp sinh đến từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam với visa có thời hạn từ ba đến năm năm, theo Reuters.

Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng luật mới không phải là xóa đi chính sách nhập cư và Nhật sẽ chỉ chấp nhận người nước ngoài "có những kỹ năng nhất định và có thể làm việc ngay lập tức nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu nhân công của thị trường, và chỉ trong các lĩnh vực thực sự cần đến họ."

Hải Ly