Du lịch tàu biển của Việt Nam nhỏ và chậm phát triển, chỉ chiếm 3% tổng lượng khách du lịch đến với Việt Nam, với khoảng 400.000 lượt khách. Con số này quá khiêm tốn so với khách đi bằng đường bộ và đường hàng không.

7 năm nữa, Việt Nam mong được như Thái Lan bây giờ

Tại Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển, do Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 6/12, nhiều ý kiến từ các công ty tàu biển lớn trên khu vực cho rằng Việt Nam cần trú trọng phát triển loại hình du lịch hạng sang này để khai thác hết tiềm năng lợi thế về bờ biển.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng, Việt Nam là nơi dễ tiếp cận của các luồng tàu hàng hải như Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc. Ngoài ra, nước ta còn có 3.260km đường bờ biển, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ được thế giới công nhận.

{keywords}
Du khách nước ngoài đi bằng tàu biển ghé Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, du lịch tàu biển của Việt Nam nhỏ và chậm phát triển, chỉ chiếm 3% tổng lượng khách du lịch đến với Việt Nam. Cụ thể, năm 2017 chỉ có 421.000 khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường biển, năm 2018 là 610 lượt tàu cập cảng (chủ yếu vào Quảng Ninh), với 429.000 lượt khách. Con số này quá khiêm tốn so với khách đi bằng đường bộ và đường hàng không.

Nguyên nhân là do nước ta chưa có cảng tàu chuyên dụng để đón khách, nhiều cảng phải dùng chung, cơ sở hạ tầng chưa tốt.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, du lịch tàu biển là loại hình cao cấp với lượng khách có nhu cầu chi tiêu cao, có những con tàu công suất lên đến gần 5.000 khách. Hơn nữa, Việt Nam thuận lợi khi nằm giữa trung tâm phát triển của châu Á và nằm trên hải trình Bắc - Nam.

Nhưng cảng tàu đón khách chưa được nhiều và chưa đủ chất lượng. Cả nước chỉ có 7 cảng tàu có thể đón khách. "3 năm qua, Việt Nam thuộc top những nước thu hút nhiều khách quốc tế, nhưng tỷ lệ khách đi theo đường tàu biển còn thấp. Các cảng biển chưa được đầu tư tốt, khách du lịch chỉ đi ngắn ngày",  ông Phương nói.

Giải pháp được ông Phương đưa ra là cần tập trung đầu tư phát triển cảng biển, khai thác thị trường Âu, Mỹ và Đông Bắc Á, đối tượng khách trẻ (trước đây là người đã nghỉ hưu).

Đại diện hãng tàu RCCL Asia, ông James Ngui, cho rằng Việt Nam cần áp dụng các công nghệ mới từ các nước trong khu vực như cấp visa điện tử, kê khai điện tử, thẻ nhập cảnh cho các thành viên đội tàu.

Ông cũng đề xuất giảm mức phí lên bờ cho thuỷ thủ đoàn như khách du lịch, thoải mái giờ giới nghiêm đến 24h (trước đây là 20h). "Thuỷ thủ đoàn trên tàu khoảng hơn 1.000 người, đây cũng là nguồn thu lớn đối với du lịch. Nhiều khi thuỷ thủ đoàn chi tiêu trên bờ ngang bằng với khách, khoảng 100 USD/ngày", ông James Ngui nói.

Hơn nữa, các cảng tàu cần cải thiện chính sách nhận tàu, nhận xếp dỡ hàng hoá thực phẩm vì số lượng lớn, đồng thời hướng dẫn tàu hàng và các tàu nhỏ khác để tránh va chạm khi tàu khách rời cảng tại vịnh Hạ Long.

Trước đó, các đại biểu đã đi khảo sát Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam có quy mô hiện đại, chuẩn bị khai trương vào cuối tháng 12 này. Cảng sẽ đón được những chuyến tàu khách trọng tải lớn trên thế giới, với tổng số lên đến 8.460 người, cập cảng. Qua đó, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ bước sang giai đoạn tăng trưởng mới về lượng khách, nhất là khách quốc tế.

Phạm Công