Một bài viết đăng trên CNBC cuối tháng trước đã nhận định rằng Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế năng động hàng đầu châu Á sau năm 2020 - một kỳ tích.

Theo số liệu ước tính do Chính phủ công bố vào cuối tháng 12/2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% so với 1 năm trước đó, tốt hơn so với mức tăng trưởng 2,3% dự báo của Trung Quốc trong cùng kỳ.

“Với kết quả này, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng cao trong năm qua, khi mà phần còn lại của thế giới chìm trong suy thoái”, các nhà kinh tế của Bank of America Global Research cho biết trong một báo cáo vào tháng 1/2021.

Mặc dù một số nhà kinh tế còn đặt nghi vấn về số liệu GDP của Việt Nam, nhưng nhiều người khác tỏ ra lạc quan về tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2021, CNBC cho biết.

Để rõ làm hơn nhận định trên, CNBC đi vào phân tích hoạt động của nền kinh tế Việt Nam, những gì mà Việt Nam đang và tiếp tục đối mặt.

Tập trung cao độ chống COVID-19, bền bỉ xuất khẩu

Mặc dù bất ngờ đón đợt bùng phát dịch lớn ngay sát tết cổ truyền, theo con số thống kê từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 10/2/2021 vẫn dừng lại ở 35 bệnh nhân qua đời vì COVID-19. Đó cũng là dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, CNBC dẫn lại mới đây.

{keywords}
Xuất khẩu đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam

Theo CNBC, cách Việt Nam xử lý sự bùng phát của virus đã được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu để các nước đang phát triển khác noi theo, đồng thời giúp cho nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục phát triển trong năm 2020.

Các chuyên gia của Bank of America nhận định, đà tăng trưởng kinh tế đó có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 9,3% vào năm 2021, cao hơn mức dự báo 6,7% từ World Bank.

Lĩnh vực sản xuất được ghi nhận đã đóng góp lớn cho sự thành công của kinh tế Việt Nam năm 2020 nhờ vào xuất khẩu ổn định. Đó sẽ là xu hướng tiếp diễn trong những năm tới, CNBC dẫn lời các nhà kinh tế.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thì chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2021 đã tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2020; sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu ước đạt 1,3 tỉ USD.

Hưởng lợi từ xu hướng đa dạng chuỗi cung ứng

Tiếp tục nhận định về lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, Fitch Solutions trong một báo cáo hồi tháng 12/2020 cho biết: “Có thể nói Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vốn diễn ra trong vài năm qua, nhờ đó chúng tôi cũng nhận thấy khả năng tăng trưởng lớn của xuất khẩu Việt Nam trong những năm tới”.

Điều này cũng được thể hiện qua một báo cáo gần đây của Nikkei Asia, nói rằng Apple đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sẽ chuyển sang các nhà máy ở Việt Nam (các sản phẩm iPad, thiết bị HomePod mini) và Ấn Độ (sản xuất thiết bị iPhone 12).

Đối tác và là nhà cung cấp chính của Apple là Foxconn cũng đã đầu tư 270 triệu USD để xây nhà máy mới tại Việt Nam nhằm mở rộng năng lực sản xuất.

Trước đó, từ năm 2010, thương hiệu giày dép nổi tiếng Adidas đã giảm một nửa sản lượng ở Trung Quốc để chuyển sản xuất sang Việt Nam và các nước khác. Việt Nam hiện là nhà sản xuất giày Adidas hàng đầu trên thế giới.

{keywords}
Nhờ hàng loạt Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, nhiều nhóm hàng nông sản của Việt Nam xuất được đến các thị trường lớn

Hiệp hội Thương mại giày dép Việt Nam cũng xác nhận với Nikkei Asia rằng, các thương hiệu giày dép lớn khác như Puma và Timberland cũng đang chuyển đơn đặt hàng từ nhà máy của họ ở Trung Quốc và Bangladesh sang nhà máy ở Việt Nam.

Thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo đã tăng nguồn cung ứng từ Việt Nam lên khoảng 40% trong năm 2018, tiếp đó là liên tục mở các đại cửa hàng tại các thành phố lớn trong suốt “năm COVID thứ nhất” (2020-PV).

Kasper Rorsted - Giám đốc điều hành Adidas - nhận định: “Trung Quốc vẫn quan trọng đối với việc tìm nguồn cung ứng, nhưng Việt Nam đang trỗi dậy và không loại trừ xu hướng này sẽ tiếp tục”.

Bên cạnh đó, việc ký một số hiệp định thương mại mới - chẳng hạn như FTA với Anh và EU - có thể thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại tại Việt Nam.

Không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Tuy nhiên, CNBC còn dẫn lời ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics cho rằng, có một mối đe dọa tiềm tàng đối với sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam - hay nói cách khác là đe dọa đến tổng thể nền kinh tế - đó là các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 12/2020 đã coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Điều này cho phép Mỹ thực hiện các hành động trừng phạt như tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Thế nhưng các nhà phân tích từ ngân hàng Úc ANZ lại cho rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden “có thể không có quan điểm cứng rắn về vấn đề này như dưới thời cựu Tổng thống Trump”.

Đáng chú ý nữa là các chuyên gia nhận định mức độ phục hồi của lĩnh vực dịch vụ - đặc biệt là du lịch - sẽ quyết định mức độ trở lại con đường phát triển kinh tế trước đại dịch của Việt Nam. Nếu ngành du lịch phát triển kém đi thì sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

Leather mô tả triển vọng để phục hồi các dịch vụ du lịch là khá "nghèo nàn", tuy nhiên dự báo của ông về mức tăng trưởng 10% cho Việt Nam trong năm nay là một dự báo lạc quan. “Đến cuối năm 2021, GDP sẽ chỉ thấp hơn 1,5% so với mức bình thường nếu không xảy ra khủng hoảng”, ông cho biết.

Để thể hiện quyết tâm chống đại dịch, phát triển kinh tế của mình trong năm 2021, tại phiên họp đầu tháng 2, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra yêu cầu sau tết truyền thống, mọi người phải bắt tay vào công việc ngay, chứ “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi” như kiểu xưa nay.

Chuyển biến tích cực

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt trên 10.000 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng này, cả nước có gần 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155 ngàn tỉ đồng và số lao động đăng ký là 115.900 lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỉ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính cả 240.000 tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395.1000 tỉ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2021 lên 16.594 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

(Theo Phunuonline)