Trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch, một điểm sáng trong làng startup đang làm dấy lên hy vọng cho sự sống còn của các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn này.

Công ty khởi nghiệp OnPoint được các nhà đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đầu tư 8 triệu USD, nâng tổng số vốn huy động được lên 8 chữ số. Startup này thành lập cuối năm 2017, cung cấp giải pháp về phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp.

{keywords}
Startup tìm cách vượt qua Covid-19

Cũng từ nhà đầu tư Hàn Quốc, công ty cổ phần công nghệ Sapo vừa hoàn tất vòng gọi vốn và nhận đầu tư lên tới 7 chữ số từ Quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) và Quỹ Teko Ventures (Việt Nam). Sapo Go chính thức mở thêm cổng kết nối với sàn thương mại điện tử  Tiki, đánh dấu bước tiến trong xu hướng bán hàng đa kênh online.

Waves - một startup ở TP. Hồ Chí Minh, vừa nhận khoản đầu tư 1,2 triệu USD trong vòng gọi vốn do Insignia Ventures Partners (Singapore) dẫn dắt. Trong tháng 2, Waves sẽ chính thức phát hành ứng dụng di động trên iOS và Android.

Đình đám trong gọi vốn triệu USD phải nói đến Elsa Speak, là ứng dụng học nói tiếng Anh ra đời năm 2015, do nữ CEO Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập.

Hay như JobHopin (kết nối người tìm việc và doanh nghiệp) cũng vừa nhận được 2,45 triệu USD. Trước đó, cũng trong lĩnh vực này, Quỹ Affirma Capital đã chấp thuận đầu tư 34 triệu USD vào Công ty tuyển dụng trực tuyến Việt Nam Transcendental Human Resources JSC (Siêu Việt).

{keywords}
Startup Việt đi lên giữa mùa dịch

Bất chấp dịch bệnh hoành hành khiến nền kinh tế và sản xuất bị đình trệ, hãng xe điện Pega xuất khẩu đơn hàng công nghệ trị giá gần 3 triệu USD đi quốc tế.  Đây là hãng xe điện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam xuất khẩu đi quốc tế tính tới thời điểm hiện tại.

Tổng giá trị 2 hợp đồng đạt hơn 60 tỷ đồng, tương đương gần 3 triệu USD. Trong đó, hợp đồng đầu tiên với đơn hàng 1260 xe trị giá gần 20 tỷ đồng đã hoàn tất, chuẩn bị vận chuyển sang Cuba.

Tính từ đầu 2020 đến nay, có hàng chục start-up Việt nhận được vốn, với số vốn rất lớn. Đó là một tín hiệu tích cực, là cú huých cho thị trường. Vừa qua, thông tin Grab triển khai Grab Ventures Ignite với tổng giải thưởng có giá trị lên đến hơn 1 triệu USD. Đây cũng là một tin vui cho giới startup.

Theo chương trình này, Grab Ventures Ignite khuyến khích các startup công nghệ trong lĩnh vực công nghệ di động, thực phẩm, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử hoặc AI tham gia.

Bà Hooi Ling Tan, đồng sáng lập Grab, cho biết, dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ online tăng vượt bậc gần như chỉ sau một đêm. Điều này đang thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở Đông Nam Á, nhưng cũng tạo ra nguy cơ về khoảng cách số 1 trong khu vực.

Các doanh nghiệp nhỏ là xương sống của nền kinh tế Đông Nam Á, dù vậy đại đa số họ đều hoạt động offline. Họ cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.Kinh doanh online sẽ là một mô hình kinh doanh mới cho những doanh nghiệp này. 

Theo báo cáo đầu tư công nghệ gần đây nhất của Cento Ventures, năm 2019, các start-up Việt Nam thu hút 741 triệu USD, tương đương 18% tổng số vốn đổ vào khu vực Đông Nam Á trong năm. Con số này tăng vọt so với năm 2018 với mức 287 triệu USD - tương đương 4% tổng vốn rót vào start-up khu vực.

Bảo An