Năm 2015, lợi nhuận của Công ty Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đạt gần 32 tỷ đồng, tăng 85% so với năm trước. Sản phẩm chủ lực của công ty là vàng mã, giấy đế và tinh bột sắn.

Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái được thành lập từ năm 1972. Đến năm 1994, công ty được thành lập lại và đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái và sang năm 2004 thì cổ phần hoá.

Với xuất thân là nhà máy giấy, các sản phẩm chủ lực của công ty bao gồm giấy vàng mã, giấy đế (loại giấy dùng để làm ra vàng mã). Ngoài ra, công ty còn phát triển thêm các sản phẩm nông sản, như tinh bột sắn, tinh dầu quế, bã sắn khô. Trong đó, doanh thu từ mảng tinh bột sắn đến nay đã là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty.

Mặc dù không được ghi nhận là doanh thu xuất khẩu, nhưng 80-90% sản phẩm tinh bột sắn của công ty được xuất sang thị trường Trung Quốc qua đường biên mậu để được hưởng thuế khoán và tránh thuế xuất khẩu cao.

{keywords}

Xếp sau tinh bột sắn là sản phẩm giấy đế và giấy vàng mã. Do đặc điểm, mẫu mã chất lượng vàng mã tại Đài Loan rất đặc biệt nên các sản phẩm này không thể tiêu thụ được trong nước. Trong khi đó, sản phẩm giấy đế lại hầu hết chỉ tiêu thụ trong nước và 2 năm gần đây mới bắt đầu xuất khẩu, nhưng giá trị vẫn còn thấp.

Theo tính toán, giấy đế và vàng mã hiện chiếm hơn 40% trong cơ cấu doanh thu của công ty, trong đó tỷ trọng năm 2015 đạt gần 45% và gần bằng tỷ trọng doanh thu của tinh bột sắn. Mặc dù vậy, một công ty chứng khoán nhận định rằng, sản xuất giấy vàng mã sẽ không phải mảng kinh doanh có khả năng phát triển trong dài hạn khi thị trường xuất khẩu vàng mã sang Đài loan với cầu có hạn và cung thì ngày càng cạnh tranh.

Một lãnh đạo Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) từng cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 70.000-80.000 tấn giấy vàng mã, chủ yếu sang thị trường Đài loan. Theo vị Tiến sỹ này, “Xuất khẩu giấy của Việt Nam hiện chủ yếu là giấy vàng mã, sản phẩm vừa có giá rẻ nhất, chất lượng kém nhất và gây ô nhiễm khủng khiếp nhất”.

Được biết, công ty đang nghiên cứu mở rộng một số hướng đi mới, như chế biến tinh bột khoai lang, một sản phẩm có biên lợi nhuận cao và có giá trị xuất khẩu sang các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty cũng nghiên cứu chế biến bột biến tính, là sản phẩm trung gian từ tinh bột sắn để chế biến ra sơn công nghiệp, giấy viết... có giá trị cao gấp 1,5 lần so với tinh bột sắn.

6 tháng đầu năm 2016, công ty đạt doanh thu 162 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu nội địa và oanh thu từ xuất khẩu giấy vàng mã cùng giảm, còn doanh thu xuất khẩu giấy đế tăng hơn 80% và xuất khẩu tinh bột sắn tăng hơn 40%. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CAP của công ty đã tăng giá rất mạnh và gây chú ý trong thời gian vừa qua.

Theo Cafebiz/Trí thức trẻ