Phó Chủ nhiệm VPQH, ông Đỗ Mạnh Hùng đã từng 2 năm nhận khoán xe công cho rằng phải chấn chỉnh bệnh nể nang chính để khắc phục tình trạng lãng phí xe công hiện nay.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Câu chuyện xe công đã được nói đến rất nhiều, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng hiện vẫn có tới 7.000 xe công đang dư thừa. Không những vậy, các bộ ngành, địa phương vẫn tiếp tục sắm mới 611 chiếc xe. Trong khi đó, chủ trương khoán xe công gần như dậm chân tại chỗ.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet mời quý vị bạn đọc lắng nghe ý kiến chia sẻ của một vị lãnh đạo đã có 2 năm nhận khoán xe công, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, về câu chuyện xe công, ngoài việc phục vụ cho một số chức danh lãnh đạo chủ chốt, thì nhiều ý kiến nói rằng đây là sự lãng phí ghê gớm, gánh nặng thực sự của ngân sách Nhà nước vốn đang khó khăn. Ông có ý kiến thế nào hiện tượng này?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, xe công cũng như các trang thiết bị khác phải nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc, đảm bảo cho hoạt động của bộ máy đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cùng với việc sử dụng hiệu quả các phương tiện, thiết bị làm việc, trong đó có xe công thì cũng có những hiện tượng sử dụng không đúng quy định, lãng phí, thất thoát.

Theo quy định, chúng ta có nhiều diện xe công được sử dụng để thực thi các nhiệm vụ của bộ máy quản lý. Song, tôi nghĩ rằng, lãng phí thường hay xảy ra ở số xe công dùng cho các cơ quan tổ chức, đơn vị được phép sử dụng, không phải ở số xe công chuyên dùng...

Nhà báo Phạm Huyền: Thời gian qua, chúng ta cũng thấy vấn đề buông lỏng quản lý, ngay cả câu chuyện cấp xe biển trắng, biển xanh. Những đối tượng không phải được sử dụng xe công thì cố tình luồn lách để "chạy" được cấp xe biển xanh. Còn những người được sử dụng xe công lại sử dụng không đúng mục đích. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, hiện tượng này không nhiều, nhưng có trên thực tế. Đúng là đã tạo ra dư luận bức xúc trong nhân dân. Bức xúc là đúng, bởi thường khi có những biến báo, chuyển từ biển trắng sang biển xanh, thường gắn với những mục tiêu, động cơ riêng.

Trách nhiệm đối với hiện tượng này, theo tôi là phải xem xét ở các cơ quan chức năng có thẩm quyền như cơ quan ở ngành công an, ngành giao thông hoặc các ngành có liên quan khác.

Ngoài ra, cũng phải xem xét trách nhiệm của người trong cuộc. Họ có thể đã có những gian lận, không trung thực trong việc lập hồ sơ, cung cấp thông tin để cơ quan chức năng cấp biển xanh không đúng quy định cho mình.

Tôi cho rằng, vai trò giám sát của người dân rất quan trọng. Khi thấy hiện tượng như vậy, nếu dư luận nhân dân có ý kiến thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra. Và những đại biểu dân cử như chúng tôi khi có thông tin của người dân cũng có cơ sở để yêu cầu làm rõ, tiến hành giám sát, trên cơ sở đó có xử lý thích đáng.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông nghĩ gì khi có những trường hợp, trong cùng một hệ thống, cán bộ được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo mới không dùng lại xe công của người tiền nhiệm, hay cơ quan này không dùng xe công dư thừa của cơ quan kia?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Đây là một biểu hiện vi phạm các quy định chung gây ra lãng phí. Chúng ta phải sử dụng một lượng ngân sách không nhỏ để mua sắm, trang bị thêm xe công.

Có lẽ, liên quan vấn đề này, tôi nghĩ cần phải chấn chỉnh bệnh nể nang. Những người thực hiện nhiệm vụ xem xét, phê duyệt, mua sắm phương tiện, hoặc thực hiện việc mua sắm phương tiện chưa kiên quyết, chưa thực sự công bằng khi triển khai việc này. Nếu tất cả chúng ta cùng nghiêm túc thực hiện vấn đề này, và nếu vấn đề này được công khai cho dư luận nhân dân biết thì tôi tin rằng, sẽ hạn chế được hiện tượng lãng phí.

Nhà báo Phạm Huyền: Để đảm bảo việc cấp và sử dụng xe công tiết kiệm, chống lãng phí, xe cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích thì theo ông, cần phải triển khai đầu tiên hiệu quả giải pháp nào?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Theo tôi, nên chú trọng 3 giải pháp. Thứ nhất, phải rà soát tiêu chuẩn được sử dụng xe công. Trên cơ sở đó, xây dựng một khung quy định mới phù hợp hơn. Rõ ràng, điều kiện làm việc hiện nay của chúng ta đã cải thiện hơn trước rất nhiều. Chúng ta đã có tổ chức các cuộc họp trực tuyến, có những phương tiện thông tin liên lạc thông suốt thì cần nghiên cứu lại các định mức này, quy định lại cho phù hợp.

Thứ hai là phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, của cơ quan chuyên trách quản lý vấn đề này.Anh là người gác cửa, được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực này mà chưa hoàn thành nhiệm vụ thì rõ ràng, cũng phải xem xét.

Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng xe công. Phải công khai, minh bạch ở các đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng xe và quá trình sử dụng xe công để người dân biết việc sử dụng xe này có đúng đối tượng, đúng mục đích không. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đó thì sẽ góp phần chấn chỉnh được hoạt động quản lý và sử dụng xe công.

Cả nước có 40.000 xe công

Chi phí vận hành, bảo dưỡng: 13.000 tỉ đồng/năm

Chi phí trung bình: 320 triệu đồng/xe

Trên 11.000 xe, chiếm 30% tổng số xe công đến hạn phải thanh lý.

Rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, cả nước đang dư 7.000 xe công nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn sắm mới 611 xe.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa 176 xe

Bộ Công Thương thừa 57 xe

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thừa 82 xe

Tỉnh Bình Thuận thừa 29 xe, tỉnh Quảng Ninh thừa 73 xe...

VietNamNet