- Với mức tăng 7,5%, dự kiến giá điện sinh hoạt tới đây sẽ có mức cao nhất sẽ là 2.579,05 đồng/kWh và thấp nhất là 1.492,28 đồng/kWh. Với mức này, sơ bộ dự tính  EVN sẽ tăng doanh thu trong những tháng còn lại ít nhất là 13.000 tỷ đồng.

Như Văn phòng Chính phủ thông báo, Thủ tướng đã đồng ý tăng giá bán lẻ điện bình quân kể từ 16/3 tới đây từ mức 1.508,85 đồng/kWh hiện hành lên mức 1.622,05 đồng/kWh. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện giá điện mới này.

Sau khi chốt giá bán lẻ điện bình quân năm 2015, biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng sẽ được tính theo tỷ lệ % so với mức giá bình quân trên. Nguyên tắc này đã được quy định rõ tại Quyết định 28 của Thủ tướng ban hành ngày 7/4/2014.

{keywords}
Giá điện sẽ điều chỉnh tăng từ 16/3 tới

Dự tính sơ bộ dựa trên trên công thức trên, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có 6 bậc thang. Trong đó, bậc thang thứ nhất có 50 kWh đầu, mức giá sẽ bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 1.492 đồng/kWh.

Ở bậc thang thứ 2 với 50kWh tiếp theo, giá bán lẻ điện là 1.541 đồng/kWh, bằng 95% giá bán điện bình quân.

Ở bậc thang thứ 3 với 100kWh tiếp theo, giá điện sinh hoạt là 1,784 đồng/kWh, tỷ lệ là 110% giá bán lẻ bình quân.

Tiếp đó, ở bậc thang thứ 4 với 100kW kế tiếp, người dân sẽ phải trả 2.238 đồng/kWh, bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân.

Bậc thang thứ 5, tức từ mức tiêu thụ điện trên 300kWh đến dưới 400kh, giá bán lẻ điện là 2.498 đồng/kWh, bằng 154% giá bán lẻ bình quân.

Bậc thang thứ 6, tính cho tiêu thụ điện trên 400kWh trở đi, giá bán điện cao nhất lên tới 2.579 đồng/kWh, bằng 154% so với giá bình quân.

Qua dự tính có thể thấy, so với mức giá hiện nay, giá bán điện bình quân mới sẽ tăng thêm 113,3 đồng/kWh. Nhưng với các hộ dân tiêu dùng điện nhiều thì mức tăng giá cũng càng lớn, bởi giá các bậc thang sau đều cao hơn trước.

{keywords}

Nếu như vây, hộ dân dùng điện trên 400kWh sẽ phải trả mức giá đắt thêm 180 đồng/kWh.

Theo tính toán giả định, nếu một hộ dân dùng 500kWh/tháng, tổng tiền điện hiện nay phải trả là 987,550 đồng. Nhưng khi tăng giá điện tới đây, tổng số tiền điện sẽ phải trả của hộ dân này sẽ là 1.061.550 đồng, tăng thêm 74.000 đồng.

Như vậy, mức tăng này là không lớn. Nhưng trung bình, vào mùa hè, nóng bức, một hộ dân ở thành phố lớn như Hà Nội nếu dùng 700kWh/tháng, tiền điện sẽ tăng mạnh từ 1.467.350 lên 1.577.350 đồng/tháng. Mức chi phí tiền điện đội lên sẽ là 110.000 đồng/tháng.

Kể từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 10 Việt Nam tăng giá điện. Trong đó, mức tăng 7,5% lần này khá cao, đứng thứ 4. Lần tăng giá điện đầu tiên đặt dấu mốc khởi đầu cho lộ trình thị trường hoá giá điện là mức tăng chỉ 7,6%, từ 1/1/2007.

Sau đó, mức tăng giá điện lớn thứ hai là 8,92% từ ngày 1/3/2009. Mức tăng giá kỷ lục nhất là tới 15,28% ngày 1/3/2011.

Các lần sau đó, mức tăng giá điện chỉ trung bình 5%/lần tăng.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã khẳng định, việc tăng giá điện với mức 7,5% đợt tới là nhằm đảm bảo EVN không bị lỗ một khoản khoảng 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu EVN phải giảm tỷ lệ tổn thất từ 8,49% hiện nay xuống 8%, nâng năng suất lao động tăng trên 9%.

Năm 2014, doanh thu bán điện của EVN ước đạt 198.858 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2013. Khi tăng giá thêm 7,5%, nếu sản lượng điện tương đương năm 2014 thì doanh thu bán điện của EVN trong những tháng còn lại của 2015 sẽ tăng thêm gần 13.000 tỷ đồng.

Phạm Huyền