{keywords}
 

Doanh nghiệp lắp ráp ô tô kêu cứu Chính phủ

Theo phía VAMI, ngày 17/10/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ – CP về việc Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm đảm bảo công bằng và có thị trường nội địa cho phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam nhưng còn có một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thực hiện chưa nghiêm NĐ 116 của Chính phủ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khoản 2, khoản 3 Điều 6, Nghị định 116/2017/NĐ-CP về trách nhiệm bảo đảm chất lượntwg an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng là khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài (còn gọi là Công cáo); bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định. Trường hợp mẫu ô tô được kiểm tra, thử nghiệm không đáp ứng các quy định về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật thì doanh nghiệp nhập khẩu phải tái xuất toàn bộ ô tô thuộc cùng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu đó;

Theo đó, ô tô nhập khẩu có kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận xe cơ giới thì thực hiện theo thỏa thuận.

{keywords}
Hình ảnh quảng cáo xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc

Đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu thì phải là ô tô đã đăng ký lưu hành tại các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải (Euro) tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.

Theo VAMI, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải được thử nghiệm khí thải mẫu đại diện cho từng lô xe nhưng hiện nay một số doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập khẩu xe động cơ tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4) vào thị trường Việt Nam thử nghiệm khí thải theo tiêu chuẩn Euro 4 nhưng lại sử dụng Công cáo xe Euro 5 như vậy là có dấu hiệu gian lận thương mại và cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô vốn đầu tư Việt Nam.

Trên thực tế, động Euro 5 có đặc tính kỹ thuật khác hẳn so với xe Euro 4 và giá thành cũng đắt hơn khoảng 3000 USD. Do vậy, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu xe hồ sơ nhập khẩu là Euro 5 nhưng chỉ đạt được tiêu chuẩn Euro 4 thì  có thể xuất hiện “gian lận thương mại”, móc túi người mua bằng việc treo “Euro 5, bán Euro 4”.

Từ đó, phía VAMI đề nghị các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp phải thực hiện nghiêm túc đúng theo NĐ 116 mà Chính phủ đã ban hành. Cụ thể là doanh nghiệp nhập khẩu ô tô động cơ Euro 4 thì hồ sơ nhập khẩu, Công cáo phải là xe Euro 4 và phải được kiểm tra thử nghiệm khí thải tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn Euro 4; doanh nghiệp nhập khẩu xe Euro 5, Euro 6 thì trong Công cáo phải là xe Euro 5,6 và phải được kiểm tra thử nghiệm khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 5,6 mới công bằng cho sản xuất, nhập khẩu và ngăn chặn việc móc túi người tiêu dùng.

Khe hở nằm ở Bộ GTVT?

Trao đổi với PV về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các xe ô tô nhâp khẩu vào Việt nam phải thực hiện theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/09/2011.

Theo đó, từ 01/01/2017 các xe ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải thỏa mãn tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4). Riêng các xe ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu sử dụng nhiên liệu diesel thì thời điểm áp dụng là 01/01/2018 theo Văn bản số 436/TTg-CN ngày 28/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Cục ĐKVN, hiện nay các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP phải thử nghiệm khí thải 01 xe mẫu thuộc mỗi kiểu loại của từng lô hàng nhập khẩu.

Khi nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra xe nhập khẩu, người nhập khẩu phải cung cấp tài liệu phù hợp quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT. Thực tế có 1 số trường hợp trong hồ sơ đăng ký kiểm tra người nhập khẩu cung cấp tài liệu khí thải của nước ngoài có tiêu chuẩn khí thải là Euro 5, Euro 6.

Tuy nhiên, căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT thì việc thử nghiệm khí thải được thực hiện theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 86: 2015/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới” (tương đương với Euro 4). Nếu kết quả thử nghiệm khí thải xe mẫu đạt yêu cầu thì lô hàng mới được nhập khẩu. Nếu kết quả thử nghiệm xe mẫu không đạt yêu cầu thì lô hàng không được phép nhập khẩu.

{keywords}
 

Như vậy, chính Cục Đăng kiểm cũng đã thừa nhận một thực tế là hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp là Euro 5 nhưng thực tế chỉ đạt hoặc đã đạt Euro 4.

Như ý kiến của Cục Đăng kiểm thì các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần có sản phẩm đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 là được nhập khẩu. Điều này đã dẫn đến thực tế, hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp thể hiện xe có động cơ tiêu chuẩn Euro 5 nhưng doanh nghiệp chỉ đề nghị kiểm định tiêu chuẩn Eur 4 nên đương nhiên kết quả kiểm định là đạt. Song, điều đáng nói là hồ sơ kiểm định thể hiện, lô xe nhập khẩu có tiêu chuẩn khí thải là Euro 5. Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp nhập khẩu không đề nghị kiểm định tiêu chuẩn Euro 5 mà chỉ đề nghị kiểm định tiêu chuẩn Euro 4?

Theo một số doanh nghiệp lắp ráp trong nước, việc chỉ đề nghị kiểm định “đạt tiêu chuẩn Euro 4” có thể vì lý do lô hàng nhập khẩu dù có hồ sơ là Euro 5 nhưng thực tế không đạt nên nếu kiểm định theo tiêu chuẩn Euro 5 thì có thể doanh nghiệp nhập khẩu phải tái xuất lô hàng, gây thiệt hại cho chính họ. Do đó, vì luật cho phép lưu hành động cơ Euro 4 nên các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ đề nghị kiểm định tiêu chuẩn này để được nhập khẩu cho dù hồ sơ của họ thể hiện là “hàng Euro 5”.

Không dừng lại ở đó, yếu tố tạo ra gian lận thương mại cũng nằm trong chính quy định của Bộ GTVT. Theo mẫu giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới nhập khẩu do Bộ GTVT ban hành thì tiêu chuẩn khí thải của động cơ không được ghi trong giấy này. Điều đó có nghĩa là khi bán hàng cho khách, doanh nghiệp có thể quảng cáo động cơ Euro 5 theo đúng giấy tờ của nhà sản xuất mà không bị bóc mẽ bởi giấy chứng nhận do Cục đăng kiểm cấp.

Ông Hoàng Đình Trường, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển máy Việt Nam (VIMID) cho biết, phân loại tiêu chuẩn khí thải áp dụng vào Việt Nam là từ Euro 4 trở lên nhưng phía VIMID luôn nhập khẩu ô tô theo tiêu chuẩn của Thế giới là từ Euro 5, Euro 6. Khi về đến Việt Nam thì do vấn đề đo lường tiêu chuẩn khí thải của từng Quốc gia là khác nhau nên dẫn đến sự sai lệch giữa các sản phẩm. VIMID nhập khẩu của Trung Quốc dòng Euro 5 nhưng khi về đến Việt Nam thì qua kiểm định của Cục đăng kiểm Việt Nam thì dòng sản phản này đã đạt tiêu chuẩn Euro 4.

Điều đáng nói, hiện nay nước ta đã lưu hành tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và thực tế Trung tâm thử nghiệm khí thải động cơ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện thử nghiệm các mẫu động cơ của doanh nghiệp lắp ráp trong nước và xác nhận đạt tiêu chuẩn Euro 5 nhưng cách thức thực hiện đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay đã dẫn đến sự lẫn lộn khiến người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là Euro 4, đâu là Euro 5, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lách luật khi kiểm định một đằng, bán hàng một nẻo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

(Theo Báo Pháp Luật)