- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ví von như vậy khi nói tới các thế hệ doanh nhân của Việt Nam trong thời gian qua tại Diễn đàn Doanh nhân VN 2014.

10 năm thăng trầm

Theo ông Khoan, do điều kiện lịch sử và xã hội, giới doanh nhân trong nước cũng lênh đênh ba chìm bảy nổi. Xã hội nói chung và Nhà nước nói riêng chưa thấm đề cao vai trò của doanh nhân trong xã hội. “Chúng ta vắng bóng, không có chủ nghĩa trọng thương, giờ vẫn còn chưa hết quan niệm đó, không khắc phục thì doanh nhân không lớn được”, ông nói.

Đánh giá về giới doanh nhân, nguyên phó Thủ tướng cho rằng, bản thân doanh nhân Việt vẫn có tầm nhìn sau luỹ tre làng, cò con, làm ăn nhỏ, chưa nhìn rộng lớn. Chính vì thế, họ thường tự ti và tôn thờ bên ngoài. Đặc biệt, khi các doanh nhân không chịu khó học hỏi, thì đến giờ, họ vẫn còn lúng túng. Bên cạnh đó, doanh nhân trong nước lại chưa gắn kết với nhau, chưa đề cao chữ tín và còn tư tưởng chờ đợi, bao cấp. 

Điều ông Khoan mong mỏi là giới doanh nhân Việt Nam cần xây dựng thương hiệu mạnh để khi nhắc tới, người ta nghĩ ngay của Việt Nam.

{keywords}
Các diễn giả trao đổi về doanh nhân Việt

Chia sẻ về 10 năm thăng trầm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, TGĐ Tập đoàn đầu tư phát triển VN, cho biết, doanh nghiệp do bà làm chủ thành lập trước khi có luật doanh nghiệp ra đời nên gặp không ít khó khăn. Công ty phải loay hoay xin giấy phép xuất khẩu, hơn 1 năm mới được cấp. Vì thế, bà Hường nhận xét, 59 năm giới doanh nhân tìm tên cho chính mình là thời gian quá dài. 10 năm - một khoảng thời gian ngắn nhưng trầm nhiều hơn thăng.

Theo báo cáo của VCCI, tính đến 1/1/2014 cả nước đã có 764.374 doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp. Riêng trong giai đoạn 5 năm từ 2009-2013 cả nước có 392.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm trên 51% số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ 1991 đến nay.

Đại diện giới doanh nghiệp TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh cho rằng, thực tế cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 10 năm, chưa bao giờ giới doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn như lúc này. Năm 2012, 2013, gần 100.000 DN phải rời bỏ thị trường, trong thời gian ngắn mà con số lớn như vậy là chuyện không bình thường.  

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, thẳng thắn thừa nhận, 10, 20 năm trước doanh nghiệp Việt phát triển tự phát và dựa nhiều vào quan hệ. Giai đoạn gần đây thì khác, các công ty Việt Nam đã lớn mạnh và có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ông Đoàn cũng đưa ra 2 đề xuất để DN đột phá: Thứ nhất, nếu so sánh với nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam hoạt động không hiệu quả. Do vậy chúng ta phải đột phá về tư duy. Thứ hai, hiện khó khăn nhất là không có doanh nhân nào tham gia vào bộ máy lãnh đạo nhà nước nên chưa hiểu được hết cái khó của doanh nghiệp, hạn chế này cần sớm khắc phục.

Hành trình phía trước

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay, hơn lúc nào hết, cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có thể ứng phó với mọi tình huống.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, yếu tố then chốt vẫn là con người.  “Rào cản lớn nhất hiện nay là cỗ máy con người chứ  không phải máy móc. Tại sao thời gian làm thủ tục hành chính dài như vậy? Điều quan trọng là cần tìm nút thắt để tháo gỡ”, ông nói.

{keywords}

Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, giới doanh nhân cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có ứng phó với mọi tình huống. 

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến, thể hiện bản lĩnh doanh nhân vừa mở rộng quan hệ quốc tế, vừa giữ vững độc lập, tự chủ. Không nên chỉ tính toán lỗ lãi đơn thuần mà còn tính đến các mối quan hệ hợp tác bình đẳng cùng phát triển”, bà Doan nói.

Bà Victoria Kwakwa, GĐ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi triển vọng nhất trong 10 năm tới với điều kiện Chính phủ phải giảm bớt sự can thiệp vào lĩnh vực tư nhân, thực hiện các chính sách cổ phần hóa và cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ngoài ra, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế về xuất khẩu, tiềm năng du lịch. Nếu biết cách khai khác và quản lý tốt, Việt Nam vẫn là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư. 

VCCI đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 19/9 vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất cho những nỗ lực và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2013, do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng.

{keywords}

Duy Anh