Với sự hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán, chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam chứng kiến sự trở lại của 2 tỷ phú USD: ông chủ Hòa Phát - Trần Đình Long và “đại gia nước mắm” - Nguyễn Đăng Quang.

Như vậy, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam có 6 tỷ phú USD.

Ông  Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup

{keywords}
Dẫn đầu trong danh sách tỷ phú tại Việt Nam vẫn là Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng.

Dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái ngày 18/3, khối tài sản của tỷ phú này đạt 5,6 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với năm ngoái và đứng thứ 286 trên thế giới, thấp hơn 47 bậc so với năm 2019.

Năm 2020 cũng là năm thứ 8 liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất hiện trong danh sách các tỷ phú được Forbes vinh danh. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, ở vị trí 974.

Mới đây, tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019, tổng doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2019 của tập đoàn đạt 130.036 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước. Trong kỳ, các mảng kinh doanh tiếp tục mang lại kết quả tốt, dẫn đến lợi nhuận trước thuế đạt 15.637 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng 23,7% so với năm ngoái, đạt 7.717 tỷ đồng.

"Nữ tướng hàng không" Nguyễn Thị Phương Thảo

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những nữ doanh nhân thế hệ mới, nổi bật nhất tại Việt Nam trong khoảng 10 năm qua. (Ảnh: Vietjet)

Khối tài sản của bà Thảo giảm 2 tỷ USD so với năm ngoái và cán mốc 2,1 tỷ USD. Dù vậy khối tài sản này vẫn giúp bà cải thiện thứ hạng, đứng thứ 1.001, hơn 7 bậc so với danh sách năm ngoái.

Tên tuổi nữ doanh nhân này gắn liền với VietJet Air, hãng hàng không tư nhân có quy mô vốn hóa gần 3 tỷ USD (thời điểm giữa tháng 2/2019).

Bà Thảo còn có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này, đồng thời trực tiếp nắm giữ 3,67% cổ phần của HDBank. Về cơ cấu sở hữu hiện tại của HDBank, Sovico là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này với 13,34% cổ phần. Bà Thảo là Chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.

Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực. Tính cả năm 2019, Vietjet Air thu về 52.059 tỷ đồng doanh thu và 5.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt mức 47.608 tỷ đồng.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco

{keywords}
Ông Trần Bá Dương.

Vị trí người giàu thứ 3 Việt Nam vẫn thuộc về ông Trần Bá Dương. Tính đến ngày 24/5, tài sản ròng của ông Dương và gia đình được Forbes ước tính đạt 1,5 tỉ USD - giảm 200 triệu USD so với khi doanh nhân này xuất hiện trong danh sách của Forbes năm ngoái. Ông và gia đình đang đứng 1.415, thấp hơn thứ hạng 1.349 của năm 2019.

Nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Thaco đạt 26.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.828 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Thaco ở mức 86.248 tỷ đồng.

Năm 2020, doanh nghiệp này đề ra mục tiêu giữ vững vị trí đứng đầu thị trường ô tô trong nước với thị phần trên 30%. Doanh thu kì vọng đạt 70.000 tỷ đồng và tổng giá trị xuất khẩu ô tô đạt trên 50 triệu USD.

Nhờ hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN – Atiga, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% trong khối các nước tham gia hiệp định, từ cuối 2019, Thaco đã chính thức xuất khẩu xe thương hiệu tập đoàn sang một số nước trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Philippines…

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank

{keywords}
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank.

Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank được Forbes vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới. So với lần xếp hạng năm 2019, tài sản của ông Hùng Anh năm nay giảm từ mức 1,7 tỷ USD ghi nhận tháng 3/2019 xuống còn khoảng 1 tỷ USD. Hiện ông đang đứng vị trí thứ 1.990 trong danh sách của Forbes.

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch tập đoàn Masan, tỷ phú năm ngoái nhưng không có mặt trong danh sách năm nay, được xem là cặp bài trùng tham gia xây dựng 2 đế chế Masan và Techcombank. Tháng 4/2018, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng, còn ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục vận hành Masan.

Năm 2019, Techcombank đạt 12.838 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 20%, vượt xa các ông lớn nhà nước là BIDV và Vietinbank. Tổng tài sản nhà băng này tính đến ngày 31/12/2019 tăng 20% đạt 383.699 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng tăng 14,8% đạt 231.297 tỷ đồng.

Ông chủ Masan - Nguyễn Đăng Quang

{keywords}
Ông chủ Masan trở lại danh sách tỷ phú USD thế giới.

Khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang tăng do cổ phiếu MSN tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng khoảng 5 tháng qua.

Cụ thể, trong phiên giao dịch 14/5, cổ phiếu MSN tăng 3,2% lên 63.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu MSN tăng khoảng 60% từ mức 40.000 đồng lên mức hiện tại.

Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong bối cảnh mảng thực phẩm tiêu dùng nhanh của tập đoàn ghi nhận những kết quả tốt, bất chấp đại dịch COVID-19.

Kết quả kinh doanh quý 1/2020 cho thấy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan ghi nhận mức doanh thu thuần hợp nhất đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng 116,1% so với mức 8.160 tỷ đồng vào quý 1/2019.

Doanh thu quý 1 của thành viên mới sáp nhập từ Vingroup là VinCommerce (VCM) lần lượt tăng trưởng 40,3% so với quý 1/2019 và 17% so với quý 4/2019.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 520 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 45% cổ phần Masan.

Năm ngoái, ông Nguyễn Đăng Quang được ước tính sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát 

{keywords}
Ông Trần Đình Long quay trở lại danh sách tỉ phú USD thế giới sau 2 năm vắng bóng.

Ông Trần Đình Long lần đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes vào tháng 3/2018 với giá trị tài sản đạt 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên sau đó vị doanh nhân này đã rớt khỏi danh sách trên khi tài sản sụt giảm dưới 1 tỉ USD.

Việc tài sản của ông Trần Đình Long tăng trở lại do cổ phiếu HPG tăng mạnh từ 16.200 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3 lên 27.250 đồng vào cuối ngày 22/5.

Hiện tại, với thị giá 27.250 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HPG đã tăng tới 68,2% so với mức đáy 16.200 đồng thiết lập hồi cuối tháng 3 vừa qua. Nhờ đó, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng đã “hồi sinh” mạnh mẽ.

Cập nhật của Tạp chí xếp hạng Forbes (Mỹ) theo khung thời gian thực cho thấy, mặc dù không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020, song giá trị tài sản của ông Trần Đình Long hiện đã quay về mốc 1 tỷ USD (tăng 28 triệu USD trong 1 ngày).

(Theo VTC News)