Bầu Đức đầu tư nghìn tỷ cho cây chuối

Từ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, sau đó đã phải “nhường ngôi” cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

{keywords}
Với sự thay đổi số lượng cổ phiếu cũng như biến động giá, năm 2018 qua đi, khối tài sản của Bầu Đức đã “bốc hơi” hơn 900 tỷ đồng.

Cùng với quá trình chuyển hướng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai từ BĐS sang nông nghiệp khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn 2013 - 2017 liên tục sụt giảm và khối nợ tăng dần qua từng năm, giá trị giao dịch của cổ phiếu HAG cũng liên tục đi xuống khiến tài sản của bầu Đức bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1/2019, cổ phiếu HAG được giao dịch tại mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Với việc nắm giữ gần 330 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 35,53% cổ phần tại Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức đang sở hữu khối tài sản gần 1.647,8 tỷ đồng. Với sự thay đổi số lượng cổ phiếu cũng như biến động giá, năm 2018 qua đi, khối tài sản của Bầu Đức đã “bốc hơi” hơn 900 tỷ đồng.

{keywords}
Sau cái bắt tay hợp tác giữa ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và tỷ phú Trần Bá Dương cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) có xu hướng hồi phục. (Ảnh: HAGL)

Trái ngược với những diễn biến của cổ phiếu HAG, cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) lại có xu hướng hồi phục trở lại, đặc biệt từ khi bầu Đức bắt tay hợp tác với tỷ phú Trần Bá Dương.

Theo đó, trước thời điểm chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương, bầu Đức và Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã phải trải qua một chuyện không vui khi HAGL Agrico đăng ký chào bán là 221.710 trái phiếu chuyển đổi, song tổng số trái phiếu đã được đăng ký và nộp tiền mua chỉ đạt 22 trái phiếu, chiếm chưa đến 0,01% số lượng chào bán.

Cái bắt tay giữa bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương đã giúp Hoàng Anh Gia Lai có thêm tiền để giải quyết nợ nần, đồng thời, đẩy mạnh những dự án nông nghiệp.

Theo thông báo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico, công ty đã hoàn thành đợt chào bán vào đầu tháng 8/2018 và huy động được 2.217 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, công ty dành 780 tỷ đồng để trồng mới và chăm sóc vườn chuối, 357 tỷ đồng trồng ớt và 1.080 tỷ đồng tái cơ cấu tài chính.

Song do đơn đặt hàng chuối từ các thị trường xuất khẩu liên tục tăng, cộng thêm điều kiện trồng chuối thuận lợi hơn so với ớt nên công ty đã tập trung nguồn lực cho loại cây này. Tính đến cuối năm 2018, HAGL Agrico đã đầu tư trồng mới 5.275 ha chuối với số vốn 1.028 tỷ đồng và giảm diện tích trồng ớt còn 610 ha với số vốn 109 tỷ đồng. Nguồn vốn dành cho tái cơ cấu tài chính không thay đổi.

Mỗi ngày “gánh” 1,5 tỷ đồng lãi vay, HAGL Agrico tiếp tục báo lỗ

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của HAGL Agrico, doanh thu thuần của công ty đạt gần 891 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kì năm 2017. Về cơ cấu doanh thu, trái cây là mặt hàng đem lại doanh thu lớn nhất cho HAGL Agrico với doanh thu 2.265 tỷ đồng. Theo sau là ớt với doanh thu 499 tỷ đồng, tiếp đó tới sản phẩm, hàng hóa, phụ phẩm với doanh thu đạt 424 tỷ đồng.

Dù doanh thu tăng trưởng ấn tượng, song do giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lên tới 77,4%, cộng thêm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 13,4% và 1,18%. Đồng thời, HAGL vẫn phải gánh khoản lãi vay lên tới 140,6 tỷ đồng nên biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh.

{keywords}
Hành trình "vượt khó" của Bầu Đức và HAGL sẽ còn rất dài.

Kết quả, HAGL Agrico báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 171,7 tỷ đồng và còn ghi nhận khoản lỗ khác lên tới 173,9 tỷ đồng trong quý IV.2018.

Điều này khiến HAGL Agrico của Bầu Đức báo lỗ trước thuế 345 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế 354 tỷ đồng. Trước đó, trong quý IV/2017, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 422,4 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu thuần của HAGL Agrico đạt 3.696 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước đó. Đáng chú ý, khoản lỗ khác của công ty ở mức 722 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2017.

Nguyên nhân là công ty ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây và các khoản khác 610 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lỗ thanh lý tài sản cổ định là 72,7 tỷ đồng. Kết quả là HAGL Agrico của Bầu Đức báo lỗ 644 tỷ đồng trong cả năm 2018.

(Theo Thế giới tiếp thị)