Lỗ lũy kế vượt 5.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) của ông bầu Đoàn Nguyên Đức vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 thể hiện tình trạng tiếp tục trượt dốc trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quy mô "tỷ đô" này.

{keywords}
Bầu Đức chật vật với "con thuyền" Hoàng Anh Gia Lai đang tròng trành giữa nợ nần, thua lỗ

Theo đó, trong khi doanh thuần của HAGL có cải thiện đáng kể từ 596 tỷ đồng của cùng kỳ lên 914 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong cơ cấu doanh thu thuần của HAGL giai đoạn quý 4 xuất hiện thêm khoản doanh thu bán heo với trị giá trên 121 tỷ đồng. Doanh thu trái cây tăng mạnh từ 325 tỷ đồng của cùng kỳ lên 538 tỷ đồng.

Mặc dù vậy với mức doanh thu nói trên, HAGL vẫn phải kinh doanh dưới giá vốn. Tổng giá vốn hàng bán trong kỳ lên tới 1.082 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp âm 168 tỷ đồng, tăng lỗ gấp gần 14 lần cùng kỳ.

{keywords}
Doanh thu từ bán heo là một khoản đáng chú ý của HAGL trong quý 4/2020

Trong công văn giải trình, lãnh đạo HAGL cho biết, khoản lỗ gộp quý 4 này chủ yếu là do giá bán sản phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lãi trong công ty liên kết cũng giảm mạnh, bằng chưa tới 1/7 của quý 4/2019, đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Trong khi chi phí tài chính và chi phí bán hàng được tiết giảm lần lượt 46% và 16% so với cùng kỳ thì chi phí quản lý doanh nghiệp của HAGL lại tăng rất mạnh gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý cũng là khoản ngốn nhiều nguồn lực nhất của HAGL, lên tới 920 tỷ đồng.

Lãnh đạo HAGL giải thích thêm, trong năm, tập đoàn này ghi nhận dự phòng theo nguyên tắc thận trọng vì bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Chi phí lãi vay cũng được đánh giá là còn khá cao.

Do thu không đủ bù chi, doanh nghiệp của bầu Đức báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 868 tỷ đồng trong quý 4/2020. Khoản lỗ này giảm so với mức lỗ thuần của quý 4/2019 là 956 tỷ đồng.

{keywords}
Diễn biến kết quả kinh doanh của HAGL (đồ họa: Mai Chi)

Sau khi tính thêm khoản lỗ khác trị giá 653 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi cùng kỳ), tổng lỗ kế toán trước thuế quý 4 của HAGL ghi nhận 1.521 tỷ đồng, tăng lỗ 6% so cùng kỳ. Lỗ sau thuế 1.526 tỷ đồng, trong đó, lỗ sau thuế của công ty mẹ là 1.174 tỷ đồng (tăng lỗ tới 77% so với cùng kỳ).

Lũy kế cả năm 2020, mặc dù doanh thu thuần tăng gấp rưỡi năm 2019 lên 3.085 tỷ đồng những lãi gộp của HAGL vẫn giảm 16% do biến động giá vốn, đạt 191 tỷ đồng.

Công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 1.290 tỷ đồng trong năm 2020, tăng lỗ gần gấp đôi so năm 2019. Tổng lỗ kế toán trước thuế ở mức 2.170 tỷ đồng, nặng hơn so với mức 2.005 tỷ đồng của năm 2019. Lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ (lỗ ròng) 1.201 tỷ đồng, trong khi năm 2019, chỉ tiêu này vẫn dương, có lãi 190 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết năm 2020, tổng lỗ lũy kế của HAGL đã lên tới 5.086 tỷ đồng.

Tổng nợ gần 27.000 tỷ đồng

Trên bảng cân đối kế toán của HAGL thể hiện, tổng nợ phải trả ở thời điểm 31/12/2020 của doanh nghiệp là 26.626 tỷ đồng, tăng 4.802 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng mạnh, tăng gần gấp đôi từ 8.090 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 15.097 tỷ đồng thời điểm cuối năm.

Số dư nợ ngắn hạn đã vượt xa so với giá trị tài sản ngắn hạn của HAGL tại ngày 31/12/2020 là 10.136 tỷ đồng, dù rằng giá trị tài sản ngắn hạn cũng đã tăng gấp đôi so với đầu năm.

{keywords}
Cuối năm 2020 không còn ghi nhận khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Học viện Bóng đá HAGL-JMG

Ngoài ra, theo số liệu tại thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL, thời điểm cuối năm vừa rồi, HAGL đã không còn số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với Học viện bóng đá HAGL-JMG. Cuối năm 2019, số dư này đạt gần 42 tỷ đồng.

Đồng thời, ở chi phí trả trước dài hạn cũng không ghi nhận chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG. Con số này cuối năm 2019 là gần 40 tỷ đồng.

Sau khi HAGL công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu HAG của doanh nghiệp này đã có phản ứng tiêu cực: Giảm sàn phiên ngày 1/2 xuống 4.500 đồng và tiếp tục giảm 5,3% trong phiên 2/2 bất chấp thị trường có dấu hiệu vượt đáy.

(Theo Dân Trí)