Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa ký quyết định cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện cho 22% vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - doanh nghiệp Bộ Công Thương vẫn đang nắm hơn 88% cổ phần.

Trước đó, ngày 12/11/2019, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty này chỉ đạo về nhân sự dự kiến cho chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.

Theo đó, ông Phan Phạm Hà được Bộ Công Thương thống nhất chủ trương cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị, giữ chức Tổng giám đốc đơn vị này.

Theo Bộ Công Thương, ông Phan Phạm Hà (sinh năm 1975), hiện là Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) - một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE).

{keywords}
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hameco

Theo Điều lệ của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, chức danh Tổng giám đốc sẽ do Hội đồng quản trị bổ nhiệm từ một trong số các thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Tổng giám đốc.

Như vậy, để trở thành Tổng giám đốc, ông Phan Phạm Hà cần phải được đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam bầu vào Hội đồng quản trị. Hoặc khi chưa là thành viên Hội đồng quản trị, ông Phan Phạm Hà có thể đảm nhận chức Tổng giám đốc nếu được Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đồng ý ký hợp đồng thuê làm Tổng giám đốc.

Trong quá trình được ý kiến về bổ nhiệm chức danh tổng giám đốc, bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, cử người có chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, có phẩm chất và năng lực, kinh nghiệm trong điều hành cấp tổng công ty giữ chức Tổng Giám đốc.

Đây là thời điểm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều biến động, cùng với việc thay đổi sếp tổng giám đốc, DN này cũng đang vào giai đoạn chốt chuyển doanh nghiệp này sang cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).  

Tại quyết định 1232/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam phải giảm từ 88,5% xuống còn 36%,

Trả lời PV. VietNamNet, một cán bộ của Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam phải hoàn thành việc thoái vốn với hạn chót là ngày 31/12/2019.

“Theo Chỉ thị 01/CT-Ttg, hết năm nay Bộ Công Thương không thoái vốn được thì Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam sẽ phải  bàn giao lại cho SCIC - đơn vị trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, vị này cho biết.

Lương Bằng

Cựu sếp VEAM bị bắt, cuộc họp đặc biệt cuối cùng của ông Trần Ngọc Hà

Cựu sếp VEAM bị bắt, cuộc họp đặc biệt cuối cùng của ông Trần Ngọc Hà

 Trước khi bị bắt, ông Trần Ngọc Hà, cựu Tổng giám đốc VEAM gửi đơn tố cáo đi khắp nơi, tạo nên một bầu không khí căng thẳng ở đơn vị này. Kết quả xác minh lại cho thấy nhiều sự thật khác liên quan đến ông Hà.