Thành công khi biết "đứng trên vai người khổng lồ"

Trái với xu hướng các thương hiệu nước ngoài thuê doanh nghiệp trong nước gia công, làn sóng hợp tác, gia công sản xuất hoặc đăng ký doanh nghiệp tại nước ngoài, sau đó đưa hàng hóa về Việt Nam làm thương hiệu bắt đầu rộ lên và trở thành chiến lược nhanh nhất để thâm nhập thị trường nội địa của doanh nghiệp Việt.

Điều dễ nhận thấy chính là họ dám đứng trên vai “Những người khổng lồ” - những đối tác thương hiệu nổi tiếng, có uy tín về cung cấp thiết kế, công nghệ tiên tiến và thiết bị hỗ trợ hiện đại, trước khi đủ sức từng bước tự mình nghiên cứu phát triển các mẫu mã, làm chủ công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện thay thế dần nhập ngoại.

Tham vọng gây dựng thương hiệu Việt dựa vào nền tảng của các ông lớn nước ngoài đang là xu hướng tất yếu khi các doanh nghiệp trong nước đủ tự tin để chiếm lĩnh thị trường. Đặt hàng sản xuất hoặc đăng ký doanh nghiệp ở nước ngoài, sau đó đem sản phẩm về Việt Nam dưới mác ngoại là con đường nhanh nhất để các sản phẩm Việt tiếp cận thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu.

{keywords}
Thương hiệu thời trang của người Việt 

Ở ý nghĩa rộng hơn, từ những doanh nghiệp lớn sẽ giúp cho Việt Nam nên hùng cường. Sự “hóa rồng” của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,... cũng dựa trên chiến lược đứng trên vai những người khổng lồ.

Câu chuyện thành công của Giovanni trong hơn một thập kỷ qua chính là sự vươn lên bắt kịp thời đại của một thương hiệu Việt. Năm 2018, thương hiệu này chính thức trở thành thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế do người Việt sở hữu 100%, có vị thế riêng, được khách hàng tin cậy và đối tác liên kết nể phục.

Để đạt được thành công này, Giovanni nhiều năm đã nỗ lực hợp tác quốc tế xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm, từ thiết kế tới cung ứng nguyên phụ liệu cho quá trình sản xuất, trong đó hàm lượng design chiếm tỷ trọng áp đảo so với gia công, tập trung vào phân khúc cận xa xỉ.

Cũng giống như Giovanni, tận dụng những thế mạnh của thế giới, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang trở thành một hiện tượng nóng, một dấu ấn về bước đi thần tốc trong nền công nghiệp ôtô Việt Nam.

Thương hiệu xe Việt này công bố việc mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để phục vụ việc phát triển các dòng xe của hãng. Như vậy, sau khi ký kết hợp tác những thương hiệu lớn trong lĩnh vực ôtô như Magna Steyr, AVL, BOSCH, Siemens... BMW là đối tác tiếp theo của Vinfast. Tham vọng của Vinfast không chỉ sản xuất xe trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong lĩnh vực công nghệ, Vingroup đã sở hữu tới 51% BQ, một công ty smartphone Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc có thể tận dụng triệt để công nghệ cũng như nhân lực của công ty này. Vì vậy, các khâu quan trọng trong quá trình sản xuất smartphone Vsmart, từ nghiên cứu và phát triển tới thiết kế, sẽ do BQ đảm nhiệm và được phát triển theo tiêu chuẩn cao của châu Âu.

Tới đam mê của người trẻ khi từ bỏ mức lương trăm triệu

Không rầm rộ như những tỷ phú, những người trẻ cũng đang mang cho mình một tham vọng lớn. “Tại sao thế giới làm được mà Việt Nam lại không?” là câu hỏi khiến nhiều người trẻ trăn trở. Họ quyết tâm gây dựng một thương hiệu của người Việt dựa trên nền tảng thế mạnh của những "người khổng lồ".

{keywords}
Hai chàng trai đam mê làm túi 

Thương hiệu Leka của hai 8x, Việt Khoa và Trung Dũng là một trong những ví dụ. Dù đứng thứ hai về xuất khẩu da giày và có rất nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới về túi xách đã chọn Việt Nam là địa điểm đặt nhà máy gia công, thế nhưng chưa có một thương hiệu túi da thật Việt Nam nào “đủ tầm”, chất lượng nổi bật hẳn cạnh tranh với các hãng nước ngoài.

Phân khúc từ 1 đến 4 triệu đồng để sở hữu túi da chất lượng còn rất hiếm và đó chính là thị trường ngách có thể tạo ra cơ hội thành công. Chính vì thế, Việt Khoa và Trung Dũng đã từ bỏ công việc thu nhập 100 triệu để biến ước mơ thương hiệu túi da thật số một Việt Nam thành hiện thực.

Không phải là chuyên gia trong ngành, cũng không có ai dìu dắt, mọi thứ bắt đầu với hai chàng trai này khá khó khăn. Họ phải mất đến 2 năm để thăm dò thị trường, đi khắp đó đây các nước tìm hiểu, học hỏi.

Mặc dù mới ra mắt từ giữa năm 2018, thương hiệu túi da thật từ Ý đã và đang gây được sự chú ý của nhiều chị em văn phòng, nữ doanh nhân sành điệu bởi những mẫu mã đơn giản, tinh tế, chất lượng da thật nhập khẩu từ Ý với chi phí phân khúc cực kỳ hợp lý, khoảng từ 1-4 triệu đồng.

{keywords}
Chiếc đồng hồ thương hiệu Việt do 8x gầy dựng

Hay mới đây Curon, một thương hiệu đồng hồ do Nguyễn Quang Thái phát triển cũng ghi nhận sự ủng hộ của người tiêu dùng. Những chiếc đồng hồ thương hiệu Việt máy Nhật, gia công tại Trung Quốc chính thức có mặt trên thị trường vào năm 2016. Tham vọng của Thái và bạn làm cùng Anh Đức là phục vụ đối tượng khách hàng trẻ với quy mô thị trường 4,4 tỷ USD và 11 triệu người tại Việt Nam.

Sau khi gọi thành công số vốn 5 tỷ đồng từ một chương trình truyền hình thực tế, hai nhà sáng lập (founder) của một thương hiệu đồng hồ được nhiều người biết tới. Vượt ra khỏi giới hạn của một chương trình đầu tư thu hút, Quang Thái và những người bạn đã chứng minh một điều: 28 tuổi - 10 năm sau khi tốt nghiệp - mọi thứ mới chỉ là bắt đầu!

Khoa và Dũng đưa ra chỉ tiêu hàng đầu phải là chất lượng. Hai thành viên mong muốn và quyết tâm tìm kiếm được đối tác cung cấp các loại da tốt nhất trên thế giới, nơi họ đặt niềm tin có thể khiến từng sản phẩm của mình “chất” ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Quang Thái cho hay chưa bao giờ tự nhận hàng mình sản xuất ra là "made in Vietnam", mà đây đơn giản là một thương hiệu đồng hồ Việt, được thiết kế bởi người Việt với sự ân cần và bộ máy chăm sóc của người Việt. "Nếu là hàng 'made in Vietnam' thì có rất nhiều yếu tố khắt khe để đạt được điều đó, và chúng tôi cũng không hướng tới chuyện đấy', Thái chia sẻ.

Đánh giá về cơ hội của ngành thời trang Việt Nam, chủ tịch Giovanni Group - ông Nguyễn Trọng Phi - cho biết, đây là lúc doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh thời trang Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nói về đồng hồ thương hiệu Việt, Shark Dzung trong một chương trình truyền hình thực tế, đánh giá, ngành hàng thời trang cần những người trẻ máu lửa, nhiệt huyết và thông minh. Mảng thời trang tại Việt Nam rất nhiều tiềm năng, dù cạnh tranh khá khốc liệt. Đó là lý do những start-up như Việt Khoa, Trung Dũng, Quang Thái,... và rất nhiều bạn trẻ khác cần có người theo sát, hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà cả nguồn lực như kênh bán hàng, nhân sự,... các yếu tố giúp cho họ có thể bứt phá trong thời gian ngắn.

Chia sẻ kinh nghiệm cho những startup, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom, lưu ý: “Đừng thấy người ta làm được mà mình làm được, đừng thấy nhà bên cạnh bán phở ngon mình cũng bán phở, thấy chị Tám Bính bán bún tốt thì mình cũng bán bún. Quan trọng là phải xem kỹ năng bản thân có phù hợp hay không”.

Có thể nói, những cái tên như Leka hay Curnon còn khá mới mẻ, đang có những bước đi tiếp bước các tên tuổi lớn như Vinfast và Giovanni. Họ là những ví dụ tiêu biểu về thành công của thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp Việt mới trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Mặc dù vậy, câu chuyện về Khải Silk vẫn là bài học xương máu nhắc nhở họ về tính trung thực và đạo đức kinh doanh. Chỉ cần một sai sót nhỏ trên chặng đường cũng có thể làm đổ vỡ mọi thứ đã nỗ lực xây dựng. Quang Thái luôn dặn dò đội của mình rằng: "Hãy luôn cẩn thận với những lỗi nhỏ nhất, vì một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu".

Duy Anh