Túi tiền hàng chục tỷ USD của người từng giàu nhất châu Á Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm) và nhiều tỷ phú Trung Quốc khác có thể tiếp tục bốc hơi, khi mà chiến lược kinh doanh của tập đoàn Wanda bỗng chốc đổ vỡ sau sự biến động về chính sách của Bắc Kinh.

Cú sốc bất ngờ

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa chứng kiến một ngày Thứ Hai đen tối, với cú trượt dốc của hàng loạt cổ phiếu, trong đó có các cổ phiếu liên quan tới Wanda - tập đoàn hàng đầu của tỷ phú USD Trung Quốc Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm).

Cổ phiếu rớt giá 5-10% khiến túi tiền của tỷ phú có 30 tỷ USD tài sản, giàu thứ 2 Trung Quốc, đang co rút lại rất nhanh. Khoảng cách giàu có giữa ông Vương Kiện Lâm và tỷ phú giàu nhất Jack Ma (chủ tịch tập đoàn Alibaba) ngày càng rộng ra.

{keywords}
Tỷ phú Vương Kiện Lâm.

Wanda được dự báo sẽ tiếp tục lao dốc bởi định hướng chiến lược của tập đoàn này có thể tan thành mây khói.

Giấc mơ “thâu tóm” những đế chế tại Hollywood để lớn mạnh và thống trị ngành giải trí thế giới của ông Vương Kiện Lâm có thể sẽ mãi mãi không thành hiện thực, khi mà các ngân hàng lớn tại Trung Quốc quay lưng lại với Wanda theo chỉ đạo của chính quyền Bắc Kinh. Cái tên Wanda hay Vương Kiện Lâm có thể sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng trên thị trường M&A quốc tế.

Trong vài năm gần đây, Wanda của ông Vương Kiện Lâm đã làm mưa làm gió trên thị trường mua bán sáp nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và giải trí, với những thương vụ lên tới vài chục tỷ USD.

Đầu 2016, Wanda đã trả 3,5 tỷ USD để mua lại Legendary Entertainment, nhà sản xuất các bộ phim nổi tiếng như "Kong: Skull Island" và "Straight Outta Compton". Trước đó, Wanda cũng đã thâu tóm AMC Entertainment Holdings - chuỗi rạp chiếu phim lớn hàng đầu tại Mỹ, hay thâu tóm hãng chế tạo du thuyền Sunseeker International của Anh, mua cổ phần tại câu lạc bộ bóng đá Atletico de Madrid của Tây Ban Nha,...

Từ một doanh nghiệp bất động sản, Wanda đã trở thành một nhà sản xuất phim cỡ lớn tại Hollywood lớn, nhà điều hành rạp chiếu phim lớn nhất thế giới và là một thế lực trong ngành tiếp thị thể thao.

Theo kế hoạch, người từng giàu nhất châu Á sẽ tiếp tục triển khai các thương vụ giá trị lên tới cả trăm tỷ USD từ nay tới 2020.

Tuy nhiên, những bữa tiệc thâu tóm dường như đã kết thúc. Ông Vương Kiện Lâm đang đứng trước áp lực không được vay vốn từ các ngân hàng lớn Trung Quốc. Đồng thời, Wanda phải bán hàng loạt các tài sản để giảm rủi ro tài chính.

Giấc mộng lớn hơn

Wanda của ông Vương Kiện Lâm đối mặt với hàng loạt các lệnh điều tra từ đầu tháng 6. Kết quả là, Wanda đã phải bán một loạt tài sản trị giá lên tới 9,3 tỷ USD, bao gồm 13 công viên chủ đề, 76 khách sạn,...

Tập đoàn này cũng bị cáo buộc sử dụng quá nhiều vốn vay để tài trợ cho các vụ thâu tóm ở nước ngoài. 

{keywords}
Ông trùm bất động sản và giải trí Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, những sóng gió mà Wanda đang gặp phải là do vung tay quá trán. Đầu tư dàn trải và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều đã khiến Wanda gặp khó, trong khi một số dự án không hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia tài chính quốc tế, câu chuyện Wanda gặp khó khăn có thể phát đi một tín hiệu hoàn toàn khác.

Những hành động của Bắc Kinh đối với vị tỷ phú có nhiều mối quan hệ sâu rộng đã thực sự khuấy đảo cộng đồng kinh doanh tại Trung Quốc. Nhiều người tự hỏi, liệu có phải là chính quyền đang phát đi một thông điệp mới.

Theo nhận định những động thái đối với Wanda phù hợp với nỗ lực kiểm soát rủi ro tài chính tại nước này. Wanda được chọn làm gương để răn đe các doanh nghiệp khác “không được làm như vậy” trong bối cảnh làn sóng thâu tóm tài sản ở nước ngoài tăng vọt gần đây, điển hình như Fossun và Anbang.

Cũng có những ý kiến băn khoăn: điều gì thực sự đang diễn ra sau cú sốc đối với giới tỷ phú Trung Quốc? Phải chăng, chính quyền Bắc Kinh lo ngại các doanh nghiệp đang cố gắng chuyển tài sản ra nước ngoài, để lại nợ nần trong nước... Và Bắc Kinh muốn giảm rủi ro tài chính và giảm áp lực lên kho dự trữ ngoại hối của nước này?...

Ngoài Wanda, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng đã bị ép phải xem xét lại các kế hoạch đầu tư của mình sau khi Chính phủ đảo ngược chính sách khuyến khích thâu tóm các thương hiệu và tài sản nước ngoài trước đó.

Bắc Kinh gần đây phải đẩy mạnh cuộc chiến chống lại tình chảy máu vốn và sự suy giảm dự trữ ngoại hối.

Một vấn đề cũng được nhiều chuyên gia đề cập là sự lớn mạnh của các tập đoàn đa quốc gia thường có ảnh hưởng tới chính sách tại nhiều nước. Bắc Kinh có thể không thoải mái với những nhóm sức mạnh như vậy, trong bối cảnh nước này đang tập trung nguồn lực vào sáng kiến “Một vành đai Một con đường”.

“Một vành đai Một con đường” được xem là một chương trình chiến lược của Trung Quốc. Một con đường tơ lụa hiện đại, cả trên biển và đất liền, gắn kết Á Âu và mang hơi thở ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với một bối cảnh mới như vậy, các tập đoàn trong đó có Wanda có thể sẽ phải tìm kiếm sự hòa hợp giữa tầm nhìn và chiến lược của mình với chiến lược của chính phủ Trung Quốc về cơ sở hạ tầng và hợp tác phát triển ở quy mô toàn cầu.

V. Hà