“Giấc mơ” tỷ đô

Ở góc nhỏ tĩnh lặng của một quán café, Lâm (27 tuổi) dán mắt vào màn hình laptop với những hình đồ họa phác thảo một dự án công nghệ liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Lâm và những người bạn đang tập trung làm dự án này. 27 tuổi, vốn liếng gần như 0 đồng, hành trang là kiến thức ở trường học lẫn trường đời, Lâm lao vào cuộc thử sức mới với một công ty khởi nghiệp non trẻ.

Lâm chưa biết dự án có thành công không và mức độ đón nhận thế nào, nhưng Lâm bảo: "Nếu chúng em không bắt đầu bây giờ, thì sẽ không bao giờ có kết quả nào cả. Chúng em muốn làm gì đó có ích cho bản thân, và hơn hết muốn đóng góp cho xã hội".

{keywords}
Từ doanh nghiệp nhỏ, Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh

Hàng nghìn, hàng chục nghìn người trẻ chọn con đường như Lâm đang đi. Họ khát khao được thể hiện mình, dù có thể thành công, trở thành một Nguyễn Hà Đông thứ hai (chàng trai tạo ra trò chơi Flappy Bird nổi danh toàn cầu), nhưng cũng có thể đối mặt thất bại ê chề giống như nhiều bậc đàn anh khác. Lâm đang bước vào một cuộc “thử lửa” thực sự với mức độ đào thải vô cùng khốc liệt.

Trước khi làm ông chủ của một doanh nghiệp công nghệ quảng cáo trực tuyến có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, ông Nguyễn Minh Quý, CEO Tập đoàn Internet Novaon cũng phải thành thật là “đã bay mất mấy cái sổ đỏ” trong những năm đầu khởi nghiệp, bị thương trường làm cho “bầm dập” không ít lần. Nếu dừng lại từ ngày đó, ông Nguyễn Minh Quý giờ chắc cũng khác nhiều.

Đứng lên sau nhiều lần “vấp ngã”, ông Nguyễn Minh Quý vẫn đang hừng hực niềm tin hướng đến mục tiêu doanh thu tỷ đô. Dù rằng, điều đó rõ ràng không phải là dễ dàng. Với quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ông Quý cũng đang dẫn dắt doanh nghiệp mình tham gia vào cuộc chơi, mong muốn đóng góp vào tiến trình “không thể cưỡng lại” ở Việt Nam. Cơ hội hiện thực hóa khát vọng chưa bao giờ “sáng” như lúc này.

Một start-up trẻ như Lâm và cộng sự, hay một doanh nghiệp Internet có tuổi đời gần 15 năm như Novaon sẽ phải trải qua nhiều chặng đường gian khó trên hành trình khẳng định tên tuổi của mình. Nhưng cũng như biết bao doanh nhân, bao doanh nghiệp trên hành tinh này, sự khởi đầu luôn luôn gắn liền với từ “gian khó”. Họ cũng đi lên từ hai bàn tay trắng, nhưng bằng khối óc, sự sáng tạo và nhiều yếu tố khác, họ đã trở thành những “người khổng lồ” trong lĩnh vực của mình.

“Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân. Có rất nhiều những câu chuyện về kinh tế tư nhân, những tấm gương khởi nghiệp thành đạt như vậy trên khắp thế giới và tôi tin là tất cả chúng ta đều biết”, phát biểu đầy cảm xúc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức hồi tháng 5/2019.

Rồi tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng cũng nhắn nhủ: "Ở Thung lũng Silicon người ta nói 'bạn sẽ không thành công nếu chưa bao giờ thất bại. Bạn sẽ học được nhiều điều từ thất bại' và ông bà ta đã nói 'thất bại là mẹ của thành công”.

Nhìn những tỷ phú thế giới bây giờ, không ít người đi lên từ hai bàn tay trắng để rồi dựng lên những đế chế hùng mạnh trên thương trường. Chuyện của vị tỷ phú Elon Musk (sinh ngày 28/61971) là dẫn chứng mới mẻ, sinh động. Ông là một nhà phát minh, doanh nhân, tỉ phú người Nam Phi, lập nghiệp và thành danh ở Thung lũng Silicon của Mỹ với tài sản của ông ước tính là 22,8 tỷ USD. Nhưng trước khi “nổi đình nổi đám” như bây giờ, ông cũng bị thương trường hành cho “lên bờ xuống ruộng” không biết bao lần.

{keywords}
Doanh nghiệp đang muốn chứng minh Việt Nam có khát vọng làm việc lớn. 

Khát vọng đóng góp cho đời

Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, đã có câu nói: “Quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”.

Nói thì đơn giản, nhưng muốn làm được là cả một hành trình dài, phấn đấu không mệt mỏi, và có khi phải đánh đổi nhiều thứ mới đạt được.

Vingroup là một trong số ít các doanh nghiệp đã phát triển “thần tốc” trong 10 năm qua. Viettel cũng vậy. Từ mục tiêu ban đầu là quân đội tham gia vào làm kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, Viettel đã trở thành nhân tố chính thay đổi căn bản hình thái thị trường viễn thông, phổ cập hóa dịch vụ viễn thông, đưa Việt Nam ra thế giới. Từ chỗ làm thuê, vươn lên làm chủ, đến nay Viettel là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, là thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam và là một trong 500 thương hiệu lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Chúng ta cần có hàng trăm, hàng ngàn và cả một thế hệ các doanh nhân và các nhà công nghiệp dân tộc hùng mạnh, những con sếu đầu đàn và chúng ta cần có cả “đàn chim Việt” bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu".

Ước mong của Thủ tướng cũng là khát vọng của hàng triệu trái tim Việt Nam, của hàng trăm nghìn doanh nhân trên khắp dải đất hình chữ S này. Hơn 30 năm sau Đổi mới 1986, chúng ta đã xây dựng được tầng lớp doanh nhân với hơn 700 nghìn doanh nghiệp. Đó là sự tiến bộ đáng kể. Nhưng số lượng như vậy vẫn là ít ỏi nếu tính trên 100 triệu dân, chất lượng cũng là cả vấn đề. Việt Nam vẫn thiếu đi những doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu. Chúng ta cũng thiếu doanh nghiệp mang quy mô toàn cầu đúng nghĩa như cách mà Huyndai, Samsung của Hàn Quốc đã làm được.

Đó là chưa kể, chúng ta còn phải đối mặt với sự “rơi rụng” của biết bao doanh nhân qua từng năm tháng. Con đường để một doanh nghiệp Việt vươn lên rõ ràng là nhiều gập ghềnh, chông gai, nhưng khi doanh nhân mang trong mình khát vọng “làm lớn”, “làm thật” thì chẳng có gì là không thể.

Hành trình ấy có người đi được đến đích cuối cùng, có người phải bỏ dở giữa chừng, người thành công, kẻ thất bại nhưng nếu không có những doanh nhân tiên phong, dám dương đầu, thì không thể làm nên những con đường cho những thế hệ doanh nhân Việt theo sau.

“Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Doanh nhân làm việc không ngừng nghỉ 24/7, có khi ngay cả trong mơ cũng còn trăn trở về bài toán kinh doanh, về thương trường vì trách nhiệm lớn lao phải gánh vác. Bởi, đằng sau mỗi doanh nhân không chỉ là tài sản của cá nhân mình mà còn là cuộc sống của hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn hay chục nghìn người lao động và gia đình họ.

Lương Bằng