Chém gió là giỏi

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, tại Việt Nam, không hiếm doanh nghiệp thắng rất nhanh nhưng sau đó kết thúc theo hướng "bạo phát, bạo tàn". Bởi họ không còn ‘quả’ để đánh mãi, thay vì phát triển theo hướng bền vững họ chỉ nghĩ đến việc làm sao tạo ra được lợi nhuận ngay càng nhiều càng tốt.

Hơn nữa, không ít chủ doanh nghiệp ‘chém gió’ là giỏi, nên tại Việt Nam, con đường xa nhất chính là từ miệng đến tay! Từ chiến lược đến kế hoạch và thực thi là một ‘dòng sông ly biệt’. Nhiều chủ doanh nghiệp đưa ra rất nhiều mục tiêu về doanh thu rất đẹp đẽ, nhưng sau đó nhận ra là mình không có tiền, thế là lấy kế hoạch năm trước bôi vẽ số lên một chút, rồi cứ thế thực thi.

{keywords}
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa

Ông Hoà chỉ ra thực tế: “Tại Việt Nam có không ít đại gia nhưng trong tay họ chẳng có gì. Dù không cả sản phẩm tốt nhưng họ vẫn rất giàu. Phải chăng là do may mắn?! Rồi không ít doanh nghiệp mời cố vấn hay các Giám đốc tài chính đến tư vấn chỉ để đủ thủ tục hoặc xem xét các rủi ro, chứ thực chất là ông chủ đã quyết định hết”.

Bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ HoSE, cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Có một điều không thể phủ nhận là không phải tất cả doanh nghiệp phát triển theo chuỗi đều làm ăn đàng hoàng, không ít trong số họ dựng lên để thu một cục tiền. Chúng ta tin là chết!”

“Đây đã là năm thứ 4 có đánh giá về khả năng quản trị - quản lý của các công ty đại chúng trong 6 nước Đông Nam Á và Việt Nam vẫn thấp nhất, không có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm của chúng ta vẫn dưới trung bình. Trong đó, tiêu chí bảo vệ quyền cổ đông được đánh giá cao nhất, còn đáng buồn là đánh giá trách nhiệm của HĐQT có điểm thấp nhất. Nói chung là tính hiệu quả trong quản lý - quản trị doanh nghiệp của chúng ta rất thấp”, bà Đào cho hay.

Ông Ngô Đình Đức, Founder và CEO POCD, vấn đề là phải làm sao để cải thiện được chất lượng lãnh đạo của doanh nghiệp Việt Nam, như khuyến khích việc hoạch định chiến lược và phân tích mô hình kinh doanh để tạo ra những sản phẩm hay phân khúc mới, có như vậy thì doanh nghiệp Việt mới phát triển bền vững cũng như cạnh tranh tốt hơn.

"Muốn ra quyết định nhanh hơn và bớt rủi ro hơn, các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào chuyển đổi số. Chỉ có chuyển đổi số mới giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Doanh nghiệp nào có hệ thống ERP sẽ có hiệu suất và quyết định chính xác hơn nhiều", ông Đức giải thích.

Chết vì quản lý linh hoạt theo kiểu tùy tiện

Chia sẻ quan điểm về quản trị doanh nghiệp trên The Leader, ông Nguyễn Hữu Long - Sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt, cho rằng, quan điểm quản lý linh hoạt không phải là mới nghe qua, mọi tổ chức, công ty đều phải vận dụng, không ít thì nhiều. Môi trường và các điều kiện kinh doanh thay đổi chóng mặt, không thể và không nên áp dụng một phương thức quản lý nào cứng nhắc, cố định để rồi tạo nên sự mắc kẹt cho chính mình. Tuy vậy, đừng nhầm lẫn linh hoạt với tùy tiện!

“Có người cho rằng quản lý linh hoạt không cần phải có chiến lược, kế hoạch, kỷ luật, nguyên tắc hay kiểm soát gì cả, mà phải tùy cơ ứng biến và đặt hết niềm tin vào tính tự giác của nhân viên. Tôi cho rằng quan điểm linh hoạt này khá nguy hiểm, dễ dàng đưa doanh nghiệp vào kiểu quản lý tùy tiện, mất kiểm soát và phải trả giá!”, ông cho hay.

{keywords}
Ông Mai Hữu Tín

Còn Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missonizer, thì cho rằng: “Chọn người thân trong gia đình, đặt họ vào những vị trí quản lý then chốt trong công ty. Có thể năng lực họ hơi yếu một chút nhưng là người đáng tin tưởng. Là chủ doanh nghiệp, bạn cho rằng, sự an tâm có thể thay thế cho năng lực mà họ còn thiếu. Bạn đã sai lầm!”

Theo ông Hải, nếu tại doanh nghiệp có dán lên tường các khẩu hiệu về Sứ mệnh hay Tầm nhìn, có công bố về các quy trình, quy định, quy chế mà các thành viên trong công ty chưa thấu hiểu được những điều này, chưa tin tưởng và tự hào về nó - như cách chúng tôi thường nói "chưa biến được nó thành hơi thở cuộc sống" - thì doanh nghiệp còn rất nhiều việc để làm.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I, chia sẻ, muốn tính chuyện “trăm năm”, e rằng việc đầu tiên là từng người trong chúng ta đều phải thấy cái nhục thua người ngoài, để sửa mình.

Ông cho rằng, chúng ta yếu về mọi mặt. Không học để hiểu và áp dụng được những giá trị tốt đẹp phổ quát đã được nhân loại chứng minh và để theo kịp thiên hạ thì mãi mãi chúng ta thua kém. Không thương yêu nhau để cùng tạo động lực cho nhau tích cực làm việc thì chúng ta vô tình tiếp tay cho người khác ngày càng mạnh hơn chúng ta.

Bảo Anh (Tổng hợp)