Chị gái Hà Thành kiếm 1 tỷ đồng/tháng, bỏ phố lên rừng, xây ngôi nhà tím mộng mơ, nhiều hoa và nhiều cửa sổ

Cuộc hành trình đi là để trở về

Những chuyến đi không báo trước, những cuộc hành trình không tên dường như đã quá quen thuộc với chị Lê Nguyệt (Hà Nội). 

Từng một bà chủ trung tâm tiếng Anh hái ra tiền, kiếm 1 tỷ đồng/ tháng, chị Lê Nguyệt (Hà Nội) quyết bỏ lại hết tất cả, tặng lại công ty, cơ sở vật chất có giá hàng trăm triệu đồng cho đồng nghiệp để chuyển vào Đà Nẵng sinh sống.

Chị bán 2 ngôi biệt thự ở Hà Nội trước sự ngỡ ngàng của nhiều người để mua 1 căn nhà rộng hơn 1.000 m2 ở ven biển Hòa Vang (Đà Nẵng) chỉ vì thích thành phố biển.

{keywords}
Chị Nguyệt đứng trước khung cảnh tuyệt đẹp ở Đắk Lắk

“Tôi muốn mỗi sớm mai thức giấc, gia đình mình được hưởng bầu không khí trong lành, rời xa tiếng còi xe và sự ồn ào nơi phố thị. Hàng ngày con trai có thể tung tăng đạp xe đi học mà không lo tắc đường, bố mẹ thì thư thái, an yên, ngắm bình minh mỗi sáng” – chị Nguyệt nói.

Sống ở Đà Nẵng được 2 năm, “gia đình xê dịch” lại quyết cùng nhau đóng va li rời lên Đắk Lắk. Lý do là 2 vợ chồng chị thấy ở đó thời tiết đẹp, khí hậu mát mẻ và có nhiều trái cây. Đặc biệt, sầu riêng và bơ là 2 món tủ của “chị đẹp” được trồng bạt ngàn, hoa quả trên buôn làng vừa rẻ, vừa sạch, vừa ngon.

{keywords}
Để hiện thực hóa ước mơ của bà xã, chồng chị Nguyệt đã xây cho vợ 1 ngôi nhà tím mộng mơ, nhiều hoa và nhiều cửa sổ

Không cần suy nghĩ, trong vòng 1 nốt nhạc, chị Nguyệt bán luôn ngôi nhà ở Đà Nẵng để đổi lấy 1 cái rẫy 10.000 m2 ở Đắk Lắk trồng sẵn bơ, sầu riêng, tiêu, cà phê làm căn cứ điểm dừng chân tiếp theo. Tiện thể, chị còn mua thêm 1 mảnh đất ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) để cho con trai đi học gần trường.

“Thực ra đây là quyết định của cả nhà chứ không chỉ riêng tôi. Nhà tôi bất kể làm gì cũng lấy biểu quyết, hỏi ý kiến từng thành viên trong gia đình. Chúng tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn cá nhân, kể từ vợ chồng cho đến con cái” – chị trải lòng.

Trong nháy mắt, 2 vợ chồng chị Nguyệt bỗng thành những người nông dân chính hiệu, “cởi” chiếc áo thị thành về với thôn quê. Hàng ngày, ông xã chị Nguyệt vào rừng tìm gỗ dựng nhà, vợ thì trồng rau, nuôi cá, tăng gia sản xuất. Một cuộc sống bình yên, bỏ lại sau lưng những lo toan, xô bồ, tấp nập nơi phố thị.

{keywords}
Ngôi nhà mới của chị Nguyệt rộng 50 m2, không gian mở giúp gia đình chị có thể sống gần gũi, làm bạn với hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ.

Để hiện thực hóa ước mơ của bà xã, chồng chị Nguyệt đã xây cho vợ 1 ngôi nhà tím mộng mơ, nhiều hoa và nhiều cửa sổ. Căn nhà mới rộng khoảng 50 m2 với nhiều cửa sổ, không gian mở giúp chị có thể sống gần gũi, làm bạn với cây cỏ và hòa mình với thiên nhiên.

“Gia đình tôi có tư tưởng là sẽ không trói buộc ở bất kỳ đâu, mình có thể trở thành công dân ở mọi thành phố miễn sao nơi mình đến khiến mọi người vui vẻ thì ở, chán thì đi” – chị Nguyệt chia sẻ.

Sống một cuộc đời đáng sống!

Chị Nguyệt trở về Đắk Lắk như tìm được bản ngã của bản thân, nơi chị có thể bay nhảy, làm mọi điều mình thích. Chị trải lòng, đôi khi vì quá yêu một mảnh đất nào đó mà con người ta có thể bỏ lại sự xa hoa, tiện nghi chốn đô thành.

Một trong những điều chị thích nhất ở Đắk Lắk là chất đất bazan nơi đây có thể trồng được mọi loại trái cây. Đúng ước mong của chị là đầu tiên con mình, chồng mình hàng ngày được ăn đồ sạch mà không phải lo về chất lượng.

{keywords}
Khu vườn nhỏ tràn ngập trái cây bắt mắt trong vườn của gia đình chị Nguyệt

“Tôi không có ý định phun thuốc vào bất cứ loại cây nào, tất cả đều cho chúng sống tự nhiên, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu vì gia đình đâu có quan trọng việc thu hái. Mùa mưa năm sau tôi sẽ chăm cắt cỏ, áp dụng mô hình chặt thả tại chỗ, lấy cây nuôi cây, tạo lớp phủ bề mặt sinh học mà không dùng tới chất hóa học” – chị Nguyệt kể.

Để hiện thực giấc mơ, chị bắt đầu lên mạng học cách ủ phân xanh qua các giáo trình trong và ngoài nước. Chị không ngần ngại thức khuya dậy sớm đi khắp nơi lấy lá cây, vác bao tải tới các trang trại gà xin phân về ủ.

Điều ít ai biết rằng, chị Nguyệt từng là người ít khi làm việc nhà mà giờ đây trở thành một người nông dân cần mẫn. Chị cho rằng, làm gì cũng được, công việc nào cũng được miễn sao bản thân thấy vui vẻ, hạnh phúc.

“Tôi không phải tiểu thư nhà giàu, bố mẹ 2 nhà chúng tôi cũng đều là nông dân, chúng tôi từng sống trong nghèo khó, từng chứng kiến mọi người khổ sở vì tiền. Khi ở ngưỡng tuổi 20, vợ chồng chúng tôi cày như điên với mong ước kiếm thật nhiều tiền để đỡ khổ, sau này ước mơ đó cũng trở thành hiện thực.

{keywords}
Nguồn thực phẩm của gia đình chị Nguyệt toàn bộ là tự cung tự cấp, thi thoảng đồ nhiều chị còn mang ra chợ bán

Nhưng đổi lại, chúng tôi không có thời gian nghỉ, không có ngày lễ và không có cả thời gian dành cho con. Chúng tôi từng đi qua các cung bậc cảm xúc, đi qua từng nấc thang của cuộc đời, từng rất nghèo đến khá giả, rồi trở nên giàu có.

Nhưng tôi nhận ra, chúng tôi không hề vui vẻ, có kiếm 1 tỷ đồng/ tháng cũng không khiến chúng tôi hạnh phúc hơn. Thiếu tiền thì khổ sở thật nhưng nếu dành cả đời để kiếm tiền thì thật vô nghĩa” – chị Nguyệt nghẹn ngào.

Chính nhờ đi qua những giông bão, đắng cay của cuộc đời, chị Nguyệt đã tìm ra đáp án của hạnh phúc là sống một cuộc đời đáng sống, sống là phải vui vẻ, sống khi được là chính mình. Nhờ khao khát đó đã thôi thúc 2 vợ chồng chị bỏ mọi thứ lên rừng xuống biển để tận hưởng cuộc sống đích thực.

Chị chia sẻ, mọi người thường hay hỏi, để được “vi vu” như 2 vợ chồng chị thì tiền ở đâu ra. Có lẽ, những năm tháng ở tuổi đầu 2, vợ chồng chị đã phấn đấu 200% sức lực để năm 30 tuổi có thể tự do tài chính.

{keywords}
Một trong những điều chị Nguyệt thích nhất ở Đắk Lắk là đất bazan nơi đây có thể trồng được mọi loại trái cây và rau xanh

Ba năm xê dịch là 3 năm gia đình chị không kiếm tiền, số tiền chi tiêu đều đến từ việc chị cho thuê những căn nhà ở Hà Nội mà trước đó gia đình từng mua.

Các khoản chi tiêu đều được chị cân đối lại, tiết kiệm tối đa và sống tối giản nhất có thể. Chị luôn tâm niệm, không để cuộc chạy đua vật chất làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Chị khoe: “Thay vì di chuyển bằng ô tô như ngày trước chúng tôi chuyển sang đi xe đạp, xe máy để tiết kiệm. Quần áo, giày dép cũng hạn chế lại, nếu thực sự cần mới mua, tránh lãng phí.

Các vật dụng trong nhà nếu có thể thì ưu tiên đồ tái chế, vừa rẻ, vừa bảo vệ môi trường.

Đơn cử, toàn bộ 20 m2 cửa kính nhà tôi đều là đồ mua lại vì tôi thấy chúng vẫn bền, sử dụng tốt và giá mềm hơn đồ mới. Thực phẩm thì gia đình tự cung tự cấp, thi thoảng còn kiếm được lời từ bán rau, củ, quả nên nào đâu mấy khi có sử dụng đến tiền. Nên việc chúng tôi cần làm nhất hiện nay là sống một cuộc đời đáng sống, được ở bên người mình yêu và làm điều mình thích”.

(Theo Dân trí)