Thiết bị bay do anh Đinh Quốc Trí chế tạo có thể chở được một người nặng 80kg, bay cao 10m trong suốt thời gian 15-20 phút trên không trung.

Kỹ sư 8x chế tạo thiết bị bay “made in Việt Nam” giá 400 triệu

Mới đây, thiết bị bay do anh Đinh Quốc Trí (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chế tạo đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Theo đó, thiết bị bay có thể chở được một người nặng 80kg, bay cao 10m trong suốt thời gian 15-20 phút trên không. Được biết, mô hình bay này được anh Trí mày mò, nghiên cứu trong suốt hai năm với tổng chi phí vào khoảng 400 triệu đồng.

{keywords}
Thiết bị bay được anh Trí chế tạo trong hai năm

Anh Trí cho hay, bản thân anh từ nhỏ đã đam mê công nghệ và chế tạo máy móc, chính vì thế anh luôn ấp ủ ước mơ có thể tự mình làm ra một chiếc máy bay chở người mà không bị giới hạn bởi không gian và những con đường.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm 2016 anh bắt tay vào việc nghiên cứu, chế tạo mô hình bay. Thời điểm này anh Trí đang làm nghiên cứu đồ chơi robot cho một công ty nên thời gian khá bận rộn. Cứ tranh thủ thời gian rảnh, anh lại lên mạng tìm hiểu tài liệu rồi lại mày mò tự mình nghiên cứu.

{keywords}
Mới đây anh Trí đã tự mình thử nghiệm bay và bước đầu cho kết quả khá tốt

 

{keywords}
 

 

{keywords}
Thiết bị bay do anh Trí chế tạo bay cao được khoảng 10-15m và trong suốt thời gian từ 15-20 phút

“Lúc bắt tay vào công việc tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải tự chế tạo máy, khung hình, cánh quạt và nhờ thêm 1, 2 bạn giúp sức trong việc thiết kế cơ khí. Phía gia đình và vợ con cũng ra sức phản đối bởi cho rằng theo đuổi việc chế tạo này tốn rất nhiều kinh phí, thời gian”, anh Trí chia sẻ.

Việc chế tạo mô hình bay ở Việt Nam còn khá mới mẻ và lạ lẫm, hầu hết các tài liệu anh Trí đều phải nghiên cứu, tìm hiểu của nước ngoài. Khi bắt tay vào công việc chế tạo được hơn nửa năm thì anh đành phải tạm gác đam mê của mình lại vì không đủ kinh phí để thực hiện. “Chi phí mua các thiết bị, động cơ, máy móc khá cao nên tôi buộc phải dừng lại dù rất tiếc, mãi sau đó hơn môt năm tôi mới có điều kiện để tiếp tục niềm đam mê này”, anh Trí nói.

Anh Trí sau đó miệt mài nghiên cứu ngày đêm, ban đầu anh thử tải, độ ổn định, điều khiển cân bằng của máy nhưng các thiết bị chưa thực sự hoàn hảo, thậm chí hay bị rơi, thiết bị gặp trục trặc, hay áp suất về không khí… nên anh phải đập bỏ 5,6 lần để thiết kế lại.

“Thiết kế máy bay không hề dễ dàng, có lần tôi muốn bỏ cuộc vì khó khăn về tiền bạc, kinh nghiệm, nhân lực thiếu… nhưng rồi bản thân sau đó khuyên nhủ rằng mình phải thực sự cố gắng hơn. Thế là tôi lại quyết tâm bắt tay vào công việc chế tạo của mình”, anh Trí nói.

{keywords}
Anh Trí cho biết, trong tương lai anh sẽ tiếp tục nghiên cứu thiết kế máy bay của mình gọn nhẹ hơn

Sau nhiều lần thử nghiệm, thử tải trọng ổn định cũng như điều chỉnh cân bằng cho máy bay khi vận chuyển, đến thời điểm hiện tại, máy bay của anh Trí có thể chở được người có trọng lượng 80kg, bay cao được khoảng 10-15m và trong suốt thời gian từ 15-20 phút. Đặc biệt, máy có thể chạy ở hai chế độ là: chế độ lái bằng tay (phi công tự lái) và chế độ lái tự động.

Mới đây, anh Trí đã tự mình thử nghiệm lái thiết bị bay và kết quả ban đầu đạt được khá tốt. “Đây mới là thử nghiệm ban đầu, trong tương lai tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thiết kế máy bay của mình gọn nhẹ hơn và tương lai gần có thể thương mại hóa, để bất cứ ai cũng có thể mua được phương tiện bay “made in Việt Nam” bên cạnh các phương tiện khác”, anh Trí khẳng định.

(Theo Dân trí)