Đang "ăn nên làm ra", chàng giám đốc trẻ ra quyết định gây "sốc": Bỏ phố về quê... bán phở sắn.

Tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TechFest 2018, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế ấn tượng mạnh với dự án phở sắn Caromi đến từ thôn Thuận An, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, dự án phở sắn này đã đạt giải nhất cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2018" do Bộ Khoa học & Công Nghệ tổ chức.

{keywords}
Sản phẩm phở sắn đóng gói Quế Sơn vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghé thăm tại hội chợ đặc sản vùng miền Hà Nội vào tháng 11/2018

Đằng sau sự "lên ngôi" của dự án phở sắn này là câu chuyện thú vị về chàng kỹ sư bỏ phố, bỏ doanh nghiệp do chính mình sáng lập để về quê với khát vọng vực dậy làng nghề truyền thống đang trong nguy cơ bị "xoá sổ".

Dương Ngọc Ảnh tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Gia TPHCM). Sau khi ra trường, Ảnh làm việc cho một công ty của Pháp. Không lâu sau đó, Ảnh mở doanh nghiệp riêng cho mình và làm việc với các đối tác nước ngoài.

Công ty đang "ăn nên làm ra" thì trong một lần về quê, nghe tin làng nghề truyền thống làm phở sắn sắp bị thất truyền khiến Dương Ngọc Ảnh không khỏi trăn trở, suy tư.

{keywords}
Dương Ngọc Ảnh bên những vỉ phở sắn vừa ra lò đang được phơi nắng.

Dương Ngọc Ảnh cho biết, củ sắn (hay còn gọi: khoai mì) là thực phẩm cứu đói thời chiến tranh và hậu chiến. Gian khó qua đi, củ sắn vẫn thầm lặng mang về kim ngạch xuất khẩu tỷ đô cho đất nước.

"Nhiều người hắt hủi sắn vì nói chúng có chất độc. Dĩ nhiên là có độc nhưng chất độc HCN trong sắn dễ bay hơi và hòa tan trong nước nên việc xử lý khử độc vô cùng đơn giản. Người ta hắt hủi sắn nhưng quên một điều rằng, ngày nào họ cũng ăn sắn một cách gián tiếp bởi sắn là thành phần không thể thiếu trong bột ngọt, bánh kẹo thậm chí thuốc tây. Bột năng cũng là cách gọi khác của tinh bột sắn", Ngọc Ảnh nói.

"Nhiều người hắt hủi sắn vì họ nói, mỗi lần nhìn thấy sắn là họ sợ hãi khi nhớ lại bữa ăn độn (cơm trộn sắn - PV) thời thiếu thốn. Ăn nhiều quá sẽ ngán nhưng có nhất thiết phải phũ phàng, phải giãy nãy với một loại cây từng cứu đói thậm chí cứu sống mình?", Ngọc Ảnh trăn trở.

{keywords}
Một công đoạn trong quy trình sản xuất ra phở sắn Quế Sơn

Chàng kỹ sư này cũng thừa nhận, tuổi thơ mình gắn liền với cây sắn. Cây sắn giúp cứu đói cả gia đình. Nghề làm phở sắn của ba mẹ tuy vất vả, cực nhọc nhưng đã nuôi anh em của Ảnh ăn học đến nơi, đến chốn.

"Món phở sắn có hàng trăm năm ở đất xứ Quảng nhưng bị thất truyền. Năm 1996, ba của tôi là người đầu tiên khơi lại nghề này tại làng Thuận An, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn sau đó thành làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do thu nhập quá thấp và nghề quá vất vả nên nhiều người đã bỏ nghề. Khi về quê, nghe làng nghề hiện tại chỉ còn 3 hộ khiến tôi băn khoăn làm sao để duy trì làng nghề này nên dự án Caromi ra đời từ đó", Ngọc Ảnh tâm sự.

Cây sắn được trồng rất nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong sắn có một chất độc làm giá trị cây sắn thấp đi. Nếu như loại bỏ được chất độc đó thì đây là loại tinh bột có nhiều lợi ích cho sức khoẻ như không tăng cân, giảm cholesterol trong máu, giảm đường huyết...

"Khám phá những tác dụng đó của cây sắn, tôi thấy mình nên quảng bá loại thức ăn này trên toàn quốc, thậm chí có thể là loại mì mới, là lựa chọn cho toàn thế giới, thay thế những loại spaghetti mà nó đang gây ảnh hưởng sức khoẻ: béo phì, tăng đường huyết, chứa gluten", Ngọc Ảnh nói.

Để có được bát phở sắn ngon, thơm, phải trải qua quy trình chế biến công phu.

Theo đó, sắn sau khi nhổ, gọt bỏ đầu, cạo trắng, ngâm nước một ngày rồi đem phơi dưới cái nắng miền Trung ít nhất 5 ngày. Rồi xay. Sau khi xay xong, ngâm thêm 2 ngày 2 đêm nữa. Cứ mỗi 4 giờ, phải chắt lọc một lần để loại bỏ chất độc và thành bột sắn sạch.

Bột sắn được nấu chín, sau đó cho vào máy ép thành từng vỉ.

{keywords}
Làng nghề phở sắn này từng đứng bên bờ vực thất truyền

Quảng Nam nức tiếng với ẩm thực mì Quảng, Cao Lầu. Phở sắn Quế Sơn cũng được người dân coi là "hồn quê" của xứ Quảng nhưng tiếc thay chưa được phổ biến rộng rãi và thương mại hoá sản phẩm này.

Làng nghề chỉ sản xuất và tiêu thụ trong địa phương. Một số ít chuyển vào tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Nam, nơi có nhiều bà con Quảng Nam đang sinh sống.

Tuy nhiên, khi Dương Ngọc Ảnh bỏ phố về quê khởi nghiệp, cây sắn quê hương, đặc biệt là món phở sắn bắt đầu... lên ngôi.

Phở sắn không còn là món ăn để cứu đói, để no cho người dân quê mà giờ đây là món ăn "sang chảnh" thơm ngon, an toàn cho sức khoẻ, có mặt ở các nhà hàng, khách sạn 5 sao tại Huế, Đà Nẵng, Hội An...

Phở sắn đang được các du khách nước ngoài thích thú thưởng thức, thậm chí còn tìm về tận làng nghề để trải nghiệm thực tế.

Không chỉ làm phở sắn thuần, Ngọc Ảnh mở rộng thêm sản phẩm phở sắn nhuộm gấc, nhuộm nghệ và đóng gói bao bì cẩn thận, bắt mắt.

Mỗi ngày, lò làm phở sắn của gia đình anh cung cấp gần 300 kg phở sắn khô. Doanh nghiệp của Ngọc Ảnh lập ra cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định, có hợp đồng... cho người dân địa phương. Mức lương dao động 6 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Khách nước ngoài tự trải nghiệm được những khó khăn vất vả và những giá trị dinh dưỡng của phở sắn này

Để đưa sản phẩm đến với người dùng, Ngọc Ảnh phân phối qua các cửa hàng và thông qua các kênh horeka (nhà hàng, khách sạn, du lịch). Khách nước ngoài tự trải nghiệm được những khó khăn vất vả và những giá trị dinh dưỡng của phở sắn này. Từ đó, tự người ta lan truyền. Thông qua kênh này, phở sắn Caromi của Ảnh bắt đầu chinh phục thị trường nước ngoài.

"Dự án Caromi của chúng tôi đã hỗ trợ người nông dân những khâu như chắt lọc bột, loại bỏ chất độc. Chúng tôi còn hỗ trợ, hướng dẫn bà con áp dụng máy móc mới để đỡ vất vả hơn. Giờ đây, giá cả sản phẩm làm ra cũng cao hơn giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Điều đó góp phần gầy dựng lại làng nghề", Ngọc Ảnh nói.

Xếp Sài Gòn vào một góc riêng...

"Tròn 6 năm em rời Sài Gòn về xứ Quảng. 6 năm em rời bỏ công việc yêu thích ở một môi trường phát triển, chấp nhận làm hậu phương để chồng tỏa sáng.

Nhiều lúc nhớ Sài Gòn da diết. Nhiều lúc bùi ngùi tủi thân nhìn đồng nghiệp cũ vui chơi mà không có mình... Không ít lần giận chồng muốn ôm con bỏ vô Sài Gòn. Không ít lần bất đồng công việc lại lủi thủi soạn CV tìm việc để chồng lại năn nỉ, dọa dẫm rồi lại mủi lòng không nỡ bỏ ổng một mình với cả đống việc không tên và có tên.

Thôi thì vai em gầy lắm, vai anh cũng chả tròn đầy. Đỡ được nhau gánh nặng nào em cũng sẽ cố. Sau 6 năm, mình lại bắt đầu từ đầu. Chặng đường khởi nghiệp gian nan, nhiều lúc bật khóc vì bất lực nhưng mình vẫn sẽ đi, đi chầm chậm cũng được, cãi nhau cũng được nhưng rồi mình lại nắm tay nhau bước tiếp.

Em vẫn xếp Sài Gòn vào một góc riêng, để luôn nhớ về - một thời - thanh xuân nơi ấy.

(Tâm sự của chị Lê Kim Ánh, vợ anh Dương Ngọc Ảnh khi nói đến việc cùng chồng bỏ doanh nghiệp ở phố để về quê... bán phở sắn).

(Theo Dân trí)