Ông Hạnh Nguyễn cho rằng con số gần 190 cá nhân người Việt có trong Hồ sơ Panama là quá nhỏ so với hàng chục nghìn doanh nghiệp đầu tư theo hình thức này tại nước trong khu vực.

Trong hồ sơ Panama, công ty offshore được nhìn nhận như một con bài chiến lược của các cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách. Vậy khái niệm này là gì?

Công ty offshore là các pháp nhân được thành lập tại các vùng lãnh thổ, mà ở đó chính quyền địa phương cho phép các ưu đãi về thuế, như giảm hoặc miễn hoàn toàn thuế. Tuy nhiên, điều kiện là các công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký. Và công ty này không có giá trị thế chấp, bởi chỉ có hồ sơ xử lý thông tin nội bộ.

{keywords}

Công ty offshore là con dao hai lưỡi, vì tiếp tay cho các nguồn tiền bất chính.

Tại sao British Virgin Islands có nhiều công ty offshore?

Công ty offshore là công cụ thuận tiện trong hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế, cũng là công cụ tối ưu cho việc bảo quản vốn tại những ngân hàng an toàn tiêu chuẩn quốc tế. Theo nguyên tắc, các công ty offshore không đòi hỏi bất kỳ điều gì về báo cáo thuế, ngoại trừ hàng năm đóng một khoản phí nhất định vào ngân sách địa phương, nơi đăng ký thành lập. Thông thường tại các quốc gia hay các vùng lãnh thổ đó hiếm khi lưu ký thông tin về giám đốc cũng như cổ đông, nên độ bảo mật về chủ sở hữu công ty cực kỳ cao.

Theo chia sẻ của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, trong các thiên đường thuế điển hình trên thế giới, British Virgin Islands (BVI) được nhà đầu tư "yêu thích" hơn cả Hong Kong, Singapore, Cayman. Điều này dễ hiểu vì sao trong Hồ sơ Panama, BVI đang dẫn đầu danh sách các thiên đường thuế với 113.648 công ty offshore. Đây cũng là địa chỉ mà hầu hết các cá nhân và tổ chức liên quan tới Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama mở tài khoản.

Chính quyền Anh đã tạo cơ chế mở về kinh doanh và đầu tư tại BVI với những điều kiện khác biệt, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

"Không nơi đâu thoáng bằng BVI. Doanh nghiệp dường như đã được thành lập sẵn để đó rồi. Khi mở công ty anh sẽ phải trả cho chính quyền 3.000 USD cấp phép, mỗi năm chi phí trả thêm 3.000 USD nữa. Công ty luật, nơi tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp được trả phí 1.500 USD. Chỉ trong vòng 24 giờ là hoàn tất thủ tục. Với 250.000 công ty đăng ký tại đảo này, thử nhân với 3.000 USD một lần cấp phép là 750 triệu USD mỗi năm, chưa tính phí thu mỗi năm 3.000 USD nữa. Doanh nghiệp kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì từ đầu tư, tài chính, du lịch, sản xuất… đều được cấp phép", ông Hạnh Nguyễn cho biết.

Cơ chế này đã khiến BVI, dù chỉ là quần đảo có diện tích khoảng 153 km, không đất sản xuất, không đủ làm du lịch nhưng lại có một tài khoản khổng lồ. Và số tiền đó tỏa đi khắp thế giới làm ăn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama cũng hoạt động theo phương thức này, và được thuế suất bằng không sau khi đã làm xong nghĩa vụ thuế tại nơi họ đầu tư.

Đây là điều hấp dẫn các doanh nghiệp, cá nhân, vì mang lại quyền lợi lớn cho họ, tức lãi sau khi làm ăn mang về được bỏ trọn vào túi. Điều này không gọi là trốn thuế hay rửa tiền, vì doanh nghiệp đã làm xong nghĩa vụ tại nơi họ đầu tư. Cũng vì vậy mà hầu như các nhà đầu tư tài chính, chứng khoán nước ngoài đều có các quỹ thành lập tại đây.

Ông Hạnh Nguyễn chia sẻ, ở đây doanh nghiệp mở công ty rồi hoạt động hay không cũng không sao cả, đóng cửa cũng không ai quan tâm miễn trả đủ tiền. Nên nhiều người mở công ty ở đây để dự phòng, sau đó gặp đối tác hợp tác làm ăn mới bắt tay đầu tư.

{keywords}

Công ty offshore thường được lập tại các thiên đường thuế như British Virgin Islands. Ảnh: Michael Amme/Hollandse Hoogte

Con dao hai lưỡi

Với doanh nghiệp, lợi ích trước mắt của offshore được hiểu là giúp tránh thuế. Ví dụ một doanh nghiệp X ở TP HCM nhập khẩu một món hàng từ châu Âu với giá 10 đồng và bán với giá 100 đồng, mức lợi nhuận sẽ là 90 đồng. Tuy nhiên mức lợi nhuận này sẽ phải đóng thuế, khoảng 22%.

Nhưng nếu sử dụng offshore, với một công ty Y ở BVI, công ty Y sẽ mua món hàng này với giá 10 đồng, sau đó bán lại cho doanh nghiệp X ở TP HCM với giá 100 đồng. Doanh nghiệp X bán món hàng với giá 100 đồng, hoà vốn và không phải đóng thuế. Trong khi đó, công ty Y ở nước ngoài cũng không phải đóng thuế nhờ chính sách đặc thù.

Điều quan trọng để tối ưu hóa lợi ích này là doanh nghiệp X và công ty Y phải có mối quan hệ đặc biệt với nhau.

Tuy nhiên đây chưa phải là hình thức né thuế duy nhất liên quan đến offshore. Hình thức công ty mẹ - công ty con cũng được sử dụng để né thuế thông qua các thủ thuật tài chính.

Đối với cá nhân, việc sử dụng công ty và tài khoản offshore là một cách để họ đảm bảo tính an toàn cho tài sản của mình. Bởi chính sách tại các thiên đường thuế luôn ưu tiên tính bảo mật thông tin của các pháp nhân đầu tư vào đây.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhìn nhận, thực tế danh sách gần 190 cá nhân người Việt có trong Hồ sơ Panama là quá nhỏ so với hàng chục nghìn doanh nghiệp đầu tư theo hình thức này tại nước trong khu vực là Philippines.

Điều này cũng thể hiện, tại Việt Nam, chỉ những nhà đầu tư quốc tế, những doanh nghiệp lớn mới biết nguyên tắc dùng các công ty offshore đi đầu tư tại các nước khác để được hưởng thuế thấp.

Tuy nhiên, hình thức đầu tư này lại là con dao 2 lưỡi. Việc cấp phép thành lập doanh nghiệp đơn giản sẽ tạo điều kiện cho những nguồn tiền bất chính, như buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy, tiền tham nhũng, buôn lậu… núp bóng lập công ty ở đây làm vỏ bọc đi đầu tư tại các nước khác, sau đó chuyển tiền ngược về bằng tiền đã được rửa sạch.

Đây cũng là lý do vì sao ICIJ điều tra và thống kê trong Hồ sơ Panama. "Trong hàng loạt công ty điều tra, họ sẽ lọc ra những công ty kinh doanh bằng nguồn tiền nghi ngờ. Và danh sách này sẽ được chuyển cho các quốc gia liên quan để xử lý tiếp theo.

Mô hình này có hàng mấy chục năm nay, không có gì mới lạ. Mấu chốt tôi thấy là xác định nguồn tiền. Trong 2 ngày qua, các doanh nghiệp Việt Nam có tên trong danh sách đã lần lượt công bố quy trình đầu tư minh bạch của mình. Đây là cách cần thiết. Người Việt mấy bữa nay nghe hồ sơ Panama là phát hoảng, cứ nghĩ những cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách là rửa tiền, trốn thuế", ông Hạnh Nguyễn nói thêm.

Tại Hong Kong, doanh nhân nước ngoài được mở công ty trong vòng 48 giờ, chỉ trả chi phí 1 đôla Hong Kong và không cần phải góp vốn gì cả. Nhưng công ty này nếu kinh doanh ở Hong Kong thì phải khai báo thuế, trả lương nhân viên và các chi phí khác. Các hợp đồng làm ăn được ký kết trên máy bay chưa vô không phận Hong Kong thì miễn thuế, nhưng máy bay đã vào không phận Hong Kong là phải trả thuế đầy đủ .

Các công ty thành lập ở Hong Kong dù thủ tục dễ dàng, nhanh chóng nhưng toàn lỗ, vì vẫn phải trả lương nhân viên, tiền thuê văn phòng, tiếp khách… trong khi doanh số lại nằm bên ngoài.

Tại Singapore, mức thuế đánh vào doanh nghiệp rất cao, nhưng các công ty có tài chính lớn, sử dụng nhiều lao động cho chính phủ thì lại được ưu ái giảm thuế xuống còn 50%.

(Theo Zing)