Những chính sách kinh tế đã làm nên dấu ấn lẫy lừng của anh em cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck nhưng cũng là quả bom hẹn giờ khiến các đại diện gia đình Shinawatra nổi tiếng nhất nước Thái ngã đau và bỏ chạy.

Doanh nhân làm chính trị

Hàng loạt các cáo buộc về tham nhũng, sai phạm, chỉ biết làm giàu cho bản thân, mua lá phiếu bằng chính sách dân túy mị dân tốn kém… và án tù 10 năm treo trên đầu đã khiến cựu nữ thủ tướng đầu tiên của nước Thái Yingluck bỏ trốn để lại đằng sau là sự thất bại của gia tộc và sự thất vọng của tầng lớp “Áo đỏ” đông đảo ủng hộ và tin tưởng vào gia đình Shinawatra.

Đoạn kết của dòng họ Shinawatra đã rõ ràng. Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đã chọn con đường sống lưu vong, giống như anh trai Thaksin. Họ không còn đường trở lại trong khi không còn gương mặt nào có thể thay thế.

Hàng loạt các chính sách kinh tế đã đưa anh em bà Yingluck lên đỉnh cao vinh quang, làm nên dấu ấn lẫy lừng nhưng cũng là yếu tố chính dẫn tới sự chia rẽ chính trị sâu sắc tại Thái Lan và sự sụp đổ của gia đình Shinawatra.

{keywords}
Cựu thủ tướng Thái Yingluck.

Nguồn gốc của cuộc xung đột kéo dài được cho là bắt đầu từ ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck. Ông Thaksin sinh ra trong một gia đình có gốc gác Hoa ở một thành phố phía bắc Thái Lan. Thaksin là một doanh nhân thành công, là ông trùm ngành viễn thông và là tỷ phú USD trước khi tham gia chính trường năm 1994 và trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2001.

Chính sách trọng tâm mang đến uy tín của ông Thaksin là chính sách dân túy, ủng hộ người nghèo trong bối cảnh sự phân hóa giàu nghèo tại Thái Lan sâu sắc. Ông là người duy nhất giữ trọn một nhiệm kỳ thủ tướng và tái đắc cử năm 2005 nhờ số đông bỏ phiếu.

Cũng như anh trai, bà Yingluck là một doanh nhân và là người người trực tiếp điều hành công ty dịch vụ viễn thông hàng đầu Thái Lan do anh trai Thaksin sáng lập. Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng điều hành một doanh nghiệp bất động sản của gia đình Shinawatra.

Tiếp bước các chính sách của người anh, bà Yingluck đưa ra hàng loạt các chính sách kinh tế theo chiều hướng dân túy, hỗ trợ người dân nghèo trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo nhức nhối ở Thái Lan và người nghèo cảm thấy bị tầng lớp tinh hoa BangKok bỏ rơi.

Dưới thời bà Yingluck, Thái Lan đã nâng mức lương tối thiểu thêm 40%; thực thi chính sách bảo hiểm sức khỏe toàn diện; giải tỏa nợ, các khoản vay cho các công ty khởi nghiệp và một chính sách trực tiếp hỗ trợ người nông dân là: trợ giá, mua lúa gạo cao hơn giá thị trường.

Cũng giống như ông Thaksin, bà Yingluck nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng lớn từ tầng lớp người dân nghèo tại các vùng quê và người lao động thu nhập thấp tại các thành thị.

Tuy nhiên, chính sách “được lòng người dân nhất” lại là con dao 2 lưỡi khiến Yingluck đối mặt với tù tội. Bà Yingluck bị buộc tội vì chương trình trợ giá đã gây thất thoát ngân sách hàng tỷ USD sau khi chính quyền quân sự lên cầm quyền sau vụ đảo chính năm 2014.

“Triều đại” dân túy ngắn ngủi

Hàng loạt các chính sách kinh tế của anh em cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck đã giúp gia đình Shinawatra nổi tiếng khắp nước Thái. Gia đình Shinawatra cũng như đảng Pheu Thái (yêu người Thái) có được sự ủng hộ chưa từng có của tầng lớp nông dân.

{keywords}
Người nông Thái chờ đợi các chính sách hỗ trợ.

Những chính sách này ban đầu cũng nhận được sự ủng hộ từ giới tinh hoa ở BangKok và nó đem lại thắng lợi cho đảng của ông Thaksin. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, dưới thời ông Thaksin, Thái Lan đã bị chia rẽ bởi tầng lớp người nghèo và giới tinh hoa giàu có.

Cuộc đối đầu giữa gia tộc Shinawatra đại diện cho phòng trào dân túy và một bên là hệ thống chính trị bảo thủ tại BangKok với trung tâm là quân đội và hoàng đã hình thành và ngày càng trờ nên quyết liệt.

Tình trạng tranh chấp chính trị kéo dài trong gần như toàn bộ thời gian 16 năm mà gia đình Shinawatra nắm quyền. Từ một doanh nhân giàu rồi chính trị gia hàng đầu, ông Thaksin và gia đình Shinawatra trở thành cái gai trong mắt của giới tinh hoa Thái Lan.

Hai cuộc đảo chính của quân đội năm 2006 và 2014 đã đẩy 2 anh em cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck vào con đường lưu vong. Năm 2016, chính quyền quân sự Thái Lan buộc quốc hội thông qua hiến pháp mới. Hiến pháp này đã gia tăng quyền lực cho quân đội và giảm thiểu khả năng những người theo chủ nghĩa dân túy có thể nắm quyền.

Ông Thaksin cũng như bà Yingluck bị cáo buộc tham nhũng, làm thất thoát ngân sách thông qua việc mua những lá phiếu bầu bằng những chính sách dân túy tốn kém.

Tới thời điểm hiện tại, gần như chắc chắn cả 2 anh em cựu thủ tướng nhà Shinawatra đã ra nước ngoài và có lẽ sẽ không có đường trở về. Những chính sách ủng hộ người nghèo, tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Thái Lan của gia đình Shinawatra hòa toàn tan vỡ.

Các chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck không biết có thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hay không và mang đến cho người dân nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn như thế nào. Nhưng giờ đây, những người ủng hộ gia đình Shinawatra đang gặp rất nhiều khó khăn và thất vọng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, chính quyền nhiều nước đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và bao trùm. Điều đó có nghĩa là, các chính sách kinh tế sẽ được cân nhắc để mọi tầng lớp trong xã hội đều có cơ hội phát triển. Các chính sách sẽ hướng tới việc hỗ trợ tầng lớp người nghèo trong xã hội.

Tuy nhiên, cái đích đó còn cần thêm nhiều thời gian để có thể đạt được. Phong trào dân túy đang nổi lên ở nhiều nước nhưng dường như vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và có tuổi đời ngắn ngủi. Xung đột giữa các các tầng lớp trong xã hội và lợi ích cá nhân khiến những người lãnh đạo không thể hoặc không đủ sức để bảo vệ các chính sách của mình.

Rất có thể bà Yingluck không dính líu đến bất kỳ hoạt động tham nhũng nào và cũng không đồng tình với hành vi tham nhũng như bà từng chia sẻ nhưng những người ủng hộ bộ Yingluck đang thực sự thất vọng vì người mà họ ủng hộ đã bỏ trốn ra đi để lại một bản án và một các chính sách kinh tế dang dở.

V. Minh